Triển khai thực hiện nghị quyết, UBND TPHCM yêu cầu 24 quận - huyện đồng loạt chọn ít nhất 3 phường (xã/thị trấn) để thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. Bước đầu ghi nhận, một số địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện.
Lan tỏa vào từng ngõ hẻm, hộ dân
Chỉ cho chúng tôi 2 thùng rác, thùng màu xanh có dòng chữ “Chất thải hữu cơ dễ phân hủy” và thùng xám với chữ “Chất thải còn lại” ở góc nhà, bà Bùi Thị Hiền (hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) bảo, giờ cả nhà bà nhận diện được từng loại rác và bỏ chúng vào đúng thùng. Trước đó, khi các tuyên truyền viên của phường đến nhà vận động gia đình bà phân loại rác tại nguồn, bà thấy việc này… hơi phiền phức, cộng thêm việc đặt 2 thùng rác sẽ khiến không gian trong nhà chật hẹp hơn nên bà không mấy mặn mà.
Song, sau khi nghe nói về chương trình thấy hay, lại có ý nghĩa nên bà đồng ý tham gia. “Thời gian đầu, tôi phải đeo găng tay để lựa lại rác cho đúng. Ông nhà tôi thì quen tay, đôi khi vỏ bịch cà phê hòa tan cũng quên phân loại. Thấy vợ lui cui lựa lại rác, ổng cũng tập dần rồi quen. Con, rồi cháu cứ thế thực hiện và nay thì đã vào nếp. Cả nhà nay đã nhớ là rác nào phải bỏ vào đúng thùng nấy”, bà Hiền kể.
Theo bà Bùi Diệu Tâm (cùng hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm), khi tuyên truyền viên giúp người dân thấy được cái lợi, cái hại của việc phân loại rác tại nguồn, thấy có ích thì người dân nghe theo.
“Ban đầu tôi có phân vân, lo mình phân loại tốt nhưng họ thu gom rồi xử lý có làm tốt không. Nhưng sau lần UBND phường Bến Nghé tổ chức đưa người dân đến xem nơi xử lý rác, thấy sự hiện đại của nơi này, chúng tôi tin và tập thói quen phân loại. Giờ quen rồi, không bỏ rác lộn xộn được”, bà Tâm bày tỏ.
Bà Bùi Diệu Tâm đã có thói quen phân loại rác tại nhà. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Đồng chí Hoàng Thị Lợi, Đảng ủy viên, Phó Trưởng khối Dân vận phường Bến Nghé, nhận xét rằng thay đổi thói quen của một người đã khó, việc vận động trên 11.000 người thay đổi thói quen để phân loại rác tại nguồn càng khó hơn rất nhiều.
“Nhưng chẳng lẽ khó rồi bỏ. Chủ trương đã đưa ra, dù khó thì cũng phải thực hiện đến cùng. Nói chi đây là việc làm hay, ý nghĩa”, đồng chí Lợi nhấn mạnh.
Đồng chí Thái Thị Kim Thanh, Bí thư Đảng ủy phường Bến Nghé, bổ sung: Đảng ủy phường xác định tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen là công tác thường xuyên, lâu dài.
Do đó, ngay từ khi có kế hoạch thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, Đảng ủy phường đã quán triệt đến cả hệ thống chính trị, chi bộ khu dân cư, tổ dân phố và các chi bộ xây dựng lực lượng tuyên truyền viên tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.
Nhưng trước tiên, Đảng ủy phường lãnh đạo, yêu cầu UBND phường lắp đặt 2 thùng rác màu xanh, màu xám ngay tại các phòng và hành lang các tầng để làm gương.
Trước chỉ đạo của Đảng ủy phường, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến từng chi bộ, MTTQ, tổ trưởng đến cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên và các khu phố. Từ đó, các tuyên truyền viên đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn và phát các túi đựng rác kèm logo để dán vào các túi rác đã được phân loại.
Chính sự cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo ra sự lan tỏa đến từng con hẻm, hộ dân tham gia thí điểm. Đồng chí Hoàng Thị Lợi cho biết thêm, để theo sát chương trình, mỗi khi xe đến lấy rác tại các hộ dân, tuyên truyền viên lại đi theo để xem hộ nào làm tốt, hộ nào chưa ổn thì hướng dẫn, nhắc nhở và có hướng dẫn lại để thực hiện tốt hơn.
Duy trì, mở rộng
Đồng chí Hoàng Thị Lợi nhận xét, cái khó nhất vẫn là làm sao để giúp người dân thay đổi thói quen phân loại rác. Tại phường Bến Nghé, Đảng ủy thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu UBND phường và các khu phố, tổ dân phố kiểm tra, đôn đốc, định kỳ tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình.
Đặc biệt, Đảng ủy phường cũng tập trung, yêu cầu MTTQ và các đoàn thể phải lắng nghe người dân. Theo đồng chí Thái Thị Kim Thanh, khi vận động phân loại rác tại nguồn thì người dân “vặn lại” các loại rác phân loại sẽ đi về đâu, làm như thế nào?
Do đó, năm 2017, phường phối hợp với một doanh nghiệp của Nhật Bản, đưa người dân đến nhà máy xử lý rác trên địa bàn TPHCM tham quan. Tại đó, người dân chứng kiến được quá trình xử lý rác đã phân loại thành phân hữu cơ rồi cung cấp cho việc trồng trọt rau sạch. Hiểu được mục đích, ý nghĩa nên người dân càng tích cực ủng hộ phân loại rác tại nguồn.
Trước kết quả này, thời gian tới, Đảng ủy phường sẽ chỉ đạo UBND phường tổ chức thêm nhiều chuyến đi như thế. Đồng thời, Đảng ủy cũng yêu cầu các đơn vị liên quan lắng nghe, làm cầu nối giữa người dân với lực lượng thu gom rác để điều chỉnh giờ thu gom rác cho phù hợp, thuận tiện cho người dân.
Đồng chí Thái Thị Kim Thanh cũng cho biết, Đảng ủy phường còn quán triệt đến các ban ngành, đoàn thể và các trường học cùng phối hợp tạo những mô hình, sân chơi có lồng ghép nội dung tuyên truyền.
Ví dụ, trong các buổi sinh hoạt, các cuộc thi sẽ tiểu phẩm, các gameshow có những câu hỏi liên quan đến nội dung phân loại rác tại nguồn. Những cá nhân, đội thắng giải sẽ nhận được phần quà, phần thưởng là những sản phẩm rau sạch được trồng từ phân bón hữu cơ chế biến từ rác được phân loại…
“Từ những việc làm cụ thể này đã tạo được sự hứng khởi của người dân, khuyến khích cùng tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn”, đồng chí Thái Thị Kim Thanh chia sẻ.
Nhờ đó, đến nay, tại phường Bến Nghé, nhiều tổ dân phố đạt 95% hộ dân tham gia tốt phân loại rác tại nguồn. Đồng chí Thái Thị Kim Thanh cho biết, để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, Đảng ủy phường yêu cầu xây dựng đội ngũ tuyên truyền đa dạng hơn để vừa tuyên truyền trên diện rộng, vừa đảm bảo phù hợp với từng dạng đối tượng.
“Đây là công tác thường xuyên, lâu dài và phải đảm bảo sâu sát. Đồng thời, phải có hướng dẫn cụ thể và kiểm tra, giám sát thường xuyên để hình thành thói quen mới, thay cho thói quen cũ trong việc bỏ rác và thu gom rác, để biến rác thành nguồn tài nguyên có ích cho xã hội”, đồng chí Thái Thị Kim Thanh nhấn mạnh.
Tạo đồng bộ trong phân loại, thu gom…
Theo đồng chí Lê Hòa Bình, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 7, lâu nay người dân đã có thói quen lựa riêng rác vô cơ như giấy, bìa carton, chai nhựa, lon nước… để bán ve chai. Cùng đó, trên địa bàn quận 7 có thuận lợi là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã thực hiện phân loại rác, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp từ sớm.
Các trường đại học cũng có nhiều hoạt động nâng cao ý thức của giảng viên, sinh viên về phân loại rác. Như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từ năm 2017 đã đầu tư hệ thống thùng đặc dụng để chứa các loại rác phân loại, đủ sức chứa 1 tấn/ngày.
Đối với việc thí điểm trên địa bàn, từ năm 2017, quận đã thực hiện tại 911 chủ nguồn thải, gồm trụ sở UBND quận, UBND 10 phường và 90 hộ dân ở mỗi phường. Năm 2018, quận 7 tiếp tục nhân rộng với mục tiêu 50% hộ dân và ngoài hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Chỉ tiêu này sẽ nâng dần lên 60% vào năm 2019 và đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc phân loại rác tại nguồn.
Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 cho rằng để đạt được các chỉ tiêu nêu trên thì công tác tuyên truyền, vận động là khâu then chốt. Do đó, Quận ủy chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy các phường, người đứng đầu hệ thống MTTQ, các đoàn thể, bí thư chi bộ khu phố, tổ trưởng tổ dân phố vào cuộc, cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nhà. Công tác tuyên truyền, vận động không phải sẽ có kết quả ngay một sớm một chiều nên phải được thực hiện từng bước, tạo thói quen phân loại rác lâu nay thành bài bản hơn và nhân rộng đến tất cả mọi người, mọi nhà.
Để thực hiện hiệu quả, Quận ủy quận 7 xác định phải tạo sự chuyển bộ mạnh mẽ và có sự đồng bộ ở các khâu. Do đó, trước tiên, quận lắp đặt 236 thùng rác 2 ngăn ngay tại trụ sở Quận ủy, Đảng ủy các phường và xung quanh trung tâm hành chính của quận, phường. Đồng thời, quận lắp đặt các thùng rác 2 ngăn trên một số tuyến đường chính như Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ…
Ngoài ra, để việc phân loại rác thực hiện đồng bộ, tránh việc người dân phân loại rồi đơn vị thu gom rác lại dồn chung một xe, quận cũng làm việc, yêu cầu các tổ chức thu gom rác phải cam kết thực hiện phân loại rác tại nguồn. Quận cũng đang đặt hàng doanh nghiệp cơ khí thiết kế, sản xuất các xe thu gom rác đặc dụng để chứa các loại rác đã phân loại. Sau đó, rác tái chế, rác dễ phân hủy được thu gom, tập trung về các trạm trung chuyển để chở đi xử lý.
Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng được các cấp ủy nhiều nơi quan tâm và đưa vào chương trình trọng tâm của địa phương mình. Tại quận Phú Nhuận, đồng chí Nguyễn Công Chiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, cho biết nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác. “Chúng tôi xác định để người dân thay đổi thói quen thì cần thời gian và cách tuyên truyền phù hợp. Quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy khi tuyên truyền cần sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, dễ nhớ. Đối tượng tuyên truyền chính là chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, công tác vận động, hướng dẫn cũng vô cùng quan trọng. Chính sự sâu sát, kiên trì, khéo léo của cán bộ phụ nữ, các tổ trưởng, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên đã giúp người dân dần tạo thói quen tốt”, đồng chí Nguyễn Công Chiến đánh giá và cho biết ở quận hiện có 4 phường đang làm thí điểm và người dân tham gia thực hiện khá tốt.