Sâu thẳm tình người

Xoa dịu nỗi đau
Sâu thẳm tình người

Biết chị khi còn là nữ sinh một trường nổi tiếng tại TPHCM những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chị vừa đảm nhiệm công tác Đoàn trường kiêm phụ trách liên chi đội thiếu niên. Hình ảnh người chị phụ trách Đội nhiệt huyết và trách nhiệm đã để lại tình thương sâu đậm trong tâm trí thầy cô và bạn bè, là tâm điểm cho bao học sinh chúng tôi thời đó ngưỡng mộ học tập. Chị là thạc sĩ, bác sĩ Phạm Phương Tần, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Từ Dũ, phụ trách Làng Hòa Bình TPHCM.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Phương Tần cùng các “con nuôi” ở Làng Hòa Bình - Từ Dũ.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Phương Tần cùng các “con nuôi” ở Làng Hòa Bình - Từ Dũ.

Xoa dịu nỗi đau

Lửa và máu đang đổ, nhuốm đỏ một vùng trời Tây Nam Tổ quốc những năm 1978 - 1980. Xếp lại tà áo trắng học trò, chị xúng xính trong bộ quân phục màu xanh người lính tình nguyện, hăm hở cùng bạn bè lên đường chiến đấu, tiếp nối truyền thống gia đình với bao lý tưởng, hoài bão, cống hiến tuổi xuân cho đất nước không một chút suy tư.

Biên giới Tây Nam tạm lắng tiếng súng, từ biệt đồng đội thân thương, người chiến sĩ ấy bâng khuâng giữa hai ngả đường: Chọn nghề mình yêu thích là Đại học Nông nghiệp 4 mà chị đã thi đậu trước khi vào bộ đội, hay thi Đại học Y? Lặng lẽ giấu nỗi đau thầm kín về một thời máu lửa vào tâm khảm, nơi lưu giữ hình ảnh đồng đội đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận, chị bước vào trận chiến mới với ước nguyện: Quyết tâm học thật giỏi để cứu người.

Cơ duyên đến với chị khi về công tác tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, theo dõi điều trị, chăm sóc trực tiếp cặp song sinh dính liền Việt - Đức tách mổ thành công năm 1988. Nhìn hình hài dị dạng hai trẻ thơ đang vật vã vì đau đớn, mà chúng chưa kịp hiểu số phận nghiệt ngã vì đâu? Sự chịu đựng đớn đau thể xác của hai con trẻ là quá sức, chị đau thấu ruột như chính con mình đẻ ra.

Năm 1996, Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tin tưởng trao trọng trách lớn cho chị - một bác sĩ giàu tình thương và tâm huyết - đảm nhiệm vai trò làm mẹ của nhiều đứa con khuyết tật sau 6 năm Làng Hòa Bình chính thức hoạt động.

Điều tối kỵ với chị là tránh nói về khuyết tật của các con, vì khơi lại nỗi đau mặc cảm, dễ tổn thương tâm lý. Đó đây trên các vùng miền đất nước vẫn còn nhiều trẻ em Việt Nam vô tội phải gánh chịu nỗi đau da cam/dioxin, mà di chứng chất độc đang âm ỉ, len lỏi truyền qua nhiều thế hệ. Bức tranh buồn về nỗi đau chiến tranh không gì bù đắp nổi cho người dân Việt Nam vẫn thổn thức. Bởi nỗi đau này không chỉ riêng ai!

Lắng nghe từng hơi thở của các cháu bé đau ốm triền miên, chị cố dành thời gian gần gũi chúng nhiều hơn, rồi lao vào nghiên cứu điều trị và dạy trẻ phát triển, áp dụng các phương pháp tiên tiến khoa học mới nhất trên thế giới và thực tiễn tại bệnh viện, phương pháp Ponseti được coi là hiệu quả tối ưu hiện nay trong điều trị trẻ bị chân khoèo dị dạng từ sơ sinh đến 1 tuổi. Phương pháp này kết hợp giữa điều trị vật lý trị liệu xoa nắn xương còn mềm và chỉ can thiệp mổ nhẹ khi cần thiết, nhằm cố giúp trẻ bớt đau và bù đắp phần nào những thiệt thòi mà chúng đáng được hưởng.

Chị ví những sinh linh kém may mắn ở làng như chồi non không thể mọc thẳng giữa đời nhưng được tắm mình trong ánh sáng hòa bình, với tình thương bao la mà Đảng bộ, chính quyền TP, các ban ngành chức năng, cộng đồng xã hội trong và ngoài nước, luôn dành tình thương cho trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin với tình cảm đặc biệt nhất.

Ngôi làng tổ ấm

Khi nói về thành quả bao năm qua tại ngôi làng mang nhiều kỷ niệm, nơi chị đã gắn bó mấy chục năm như một dấu ấn khắc sâu trong đời người bác sĩ, chị khiêm tốn nhắc đến tấm lòng biết ơn sâu sắc của các bậc tiền bối đi trước. Họ là tấm gương sáng, đào tạo đội ngũ kế thừa nối tiếp mạch đập giàu tính nhân hậu. Chính sự gần gũi thân tình của chị và ê kíp 39 y, bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, đoàn kết chung tay xoa dịu nỗi đau thể xác cho các cháu.

Đôi mắt sáng trong veo ngày nào của cô nữ sinh năm xưa thoáng chút nỗi niềm, hướng xa xăm… Số phận tương lai những đứa trẻ này sẽ ra sao vẫn là dấu chấm hỏi lớn, khiến chúng ta phải suy nghĩ! Chị quay mặt, giấu đi những giọt lệ bất chợt lăn trên khóe mắt đã hằn dấu chân chim, dõi nhìn các cháu say ngủ ngon lành. Chị thầm cảm ơn mọi người đã, đang truyền tiếp ngọn lửa tình người cho một tập thể luôn đặt chữ “tâm” làm đầu. Chị cũng thấu hiểu vô cùng sự vất vả không chút riêng tư của những bà mẹ nuôi đang ngày đêm lo lắng, chăm sóc ân cần các con bị bỏ rơi, dị tật bẩm sinh từ khắp vùng miền đất nước, tụ về tổ ấm Làng Hòa Bình thân yêu. Ngôi làng ấy mãi mãi là biểu tượng cao đẹp về tình – Mẹ – Việt – Nam, như phép màu dang rộng vòng tay che chở cuộc đời các thiên thần bé nhỏ, vốn rất mong manh đang cần nhựa sống!

Lê Kim Dung

Tin cùng chuyên mục