Là một phụ nữ khuyết tật nhưng với nghị lực và khát vọng học tập, chị Huỳnh Thị Kim Cúc (44 tuổi, ở phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) đã trở thành cô giáo dạy tin học của hàng trăm học viên và hiện tại, chị rất năng nổ trong hoạt động từ thiện.
Cách đây hơn 20 năm, cô gái Kim Cúc đã cùng một số người bạn thành lập nhóm Nhân Hòa với mục đích ban đầu là nơi để những người cùng cảnh ngộ bị khuyết tật chia sẻ tâm tư và giúp đỡ lẫn nhau. Những thành viên ban đầu của nhóm hầu hết là những anh chị khuyết tật làm nghề bán vé số và không có chỗ ở cố định. Sau khi lập nhóm, chị cùng các thành viên đã học và làm công việc in lụa để kiếm sống.
Đến năm 2000, chị Cúc và anh Huỳnh Tín Nghĩa - một thành viên trong nhóm và sau này là người bạn đời của chị, đã học xong chương trình về tin học, trong đó anh Nghĩa tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Mở TPHCM. Dịp may chợt đến khi một nhà hảo tâm người Canada đã tài trợ 14 chiếc máy tính cho chị Cúc khi biết được ước mơ trở thành cô giáo của chị đã ấp ủ từ lâu. Chị Cúc cùng anh Nghĩa lập ra lớp học tin học miễn phí dành cho người khuyết tật trên đường số 9 Lê Đức Thọ, phường 17 quận Gò Vấp. Đây cũng chính là căn nhà anh chị được chủ nhà cho thuê với giá rẻ để làm nơi dạy học. Lớp học hoạt động từ năm 2002 đến năm 2007 thì tạm dừng vì khi đó, chị Cúc sinh bé gái đầu lòng. Trong hơn 5 năm hoạt động, lớp học của anh chị đã xóa mù tin học cho hàng trăm người khuyết tật, từ đó giúp họ có việc làm tốt hơn.
Từ khi dừng lớp tin học đến nay, hai anh chị tiếp tục tham gia các hoạt động giúp đỡ người khuyết tật. Hàng năm, chị Cúc tổ chức những chuyến đi chơi Vũng Tàu cho các anh chị em khuyết tật vào dịp tháng 8. Sau khi có được nguồn kinh phí chị vận động từ các nhà hảo tâm, chị Cúc lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi chơi xa, lên danh sách các thành viên là người khuyết tật và thanh niên tình nguyện.
Chị Cúc cho biết, sở dĩ chị tổ chức các chuyến đi chơi cho anh chị em khuyết tật vì nhiều người trong số họ chưa một lần ra biển và họ khát khao được “cảm nhận” biển dù trong số đó có người bị mù, có người bị bại liệt. Những chuyến đi xa như thế là dịp nghỉ ngơi cho anh chị em sau một năm lao động vất vả và cũng là cơ hội để họ tự tin vượt qua chính mình, những người khuyết tật có thể bơi dưới biển hoặc trèo lên những ngọn núi cao.
Hàng ngày, chị Cúc tiếp nhận những món quà, có khi là tiền mặt, có khi là quần áo để khi tết đến, chị lại mang đi chia sẻ cùng những người khuyết tật nghèo ở các huyện xa. “Bản thân cũng là người khuyết tật nên khi được sẻ chia cùng các anh chị em khuyết tật, tôi thật sự như tìm được hạnh phúc cho chính mình và nhận được sự đồng cảm lớn lắm. Khi tôi giúp đỡ người cùng cảnh ngộ với mình hòa nhịp vào cuộc sống, tự tin vào cuộc sống thì dường như chúng tôi lại không cảm thấy mình bị khuyết tật nữa. Đó là hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi!”, chị Cúc tâm sự.
Lê Đặng