Pháp lệnh “phản biện xã hội”

Sẽ điều chỉnh các dự án do nhà nước đầu tư

Sẽ điều chỉnh các dự án do nhà nước đầu tư

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết: 70% thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản (XDCB) là do chủ trương đầu tư sai (báo Pháp luật TP. HCM ngày 25-12-2006).

Con số đó chính xác đến mức nào, các cơ quan có thẩm quyền cần dành kinh phí và thời gian để tổ chức “Tổng kết khoa học về hiệu quả vốn đầu tư XDCB” từ đó tìm ra “đúng bệnh để có thuốc giải” cho tương lai. Còn trên thực tế, hiện có rất nhiều công trình xây dựng cũng mắc sai phạm đó.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 8-1-2007 phản ánh: chợ Tân Nhật (Bình Chánh); chợ Phú Hữu, chợ Trường Thạnh (quận 9)… mỗi chợ đầu tư vài tỷ đồng, hoàn thành 1- 2 năm nay mà người vào chợ buôn bán lèo tèo, ế ẩm.

Rồi Nhà Văn hóa Phú Hữu (quận 9), Hiệp Phước (Nhà Bè), Thạnh An (Cần Giờ)… xây xong bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Nếu tính trên bình diện cả nước, con số công trình “xây xong bỏ đó” chắc chắn là không nhỏ. Đương nhiên, sự lãng phí này chỉ xảy ra đối với những dự án do nhà nước đầu tư. Vậy, có cách nào khắc phục được tình trạng này?

Sẽ điều chỉnh các dự án do nhà nước đầu tư ảnh 1

Một cây cầu ở phường Thạnh Lộc, quận 12, xây xong rồi bỏ, không đi lại được.
Ảnh: Q.K.

“Phản biện”, trong những năm gần đây hai từ này xuất hiện nhiều trên văn bản của các cấp có thẩm quyền, cũng như trên các diễn đàn.

Đây là một cách làm khoa học nhằm khắc phục bệnh chủ quan, thiển cận, bổ sung những kiến thức, những ý tưởng khác, khách quan của những người ngoài cuộc, ít chịu áp lực về hành chính khi đưa ra những ý kiến ngược lại.

Do đó, lấy ý kiến phản biện là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, cần được luật hóa bằng một “pháp lệnh phản biện xã hội” để điều chỉnh các dự án do Nhà nước đầu tư.

TPHCM là nơi đi đầu trong việc bắt buộc các công trình lớn, công trình có tính nhạy cảm phải tổ chức lấy ý kiến phản biện trước khi trình cấp có thẩm quyền ký quyết định đầu tư, đồng thời còn cấp kinh phí cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác này.

Điều đó chứng tỏ TP đã nhận thức được vai trò và giá trị của công tác phản biện. Tuy nhiên trên thực tế gần như các đơn vị chủ quản không tha thiết gì mời phản biện, mà do sức ép của cấp trên. Mặt khác, do thời gian đóng góp cho phản biện quá ngắn, chất lượng phản biện còn bị hạn chế.

Phản biện là cần thiết, song loại dự án nào thì cần phản biện, có ý kiến cho là những dự án lớn thuộc nhóm A cần lấy ý kiến phản biện. Theo chúng tôi, điều trước tiên là cần có chế tài rõ ràng đối với người ký quyết định đầu tư, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đúng- sai, không đổ lỗi cho bất cứ một ai!

Nhưng tránh lãnh phí thì tất cả các dự án lớn, nhỏ đều cần có phản biện. Với dự án có quy mô lớn, nhạy cảm… thì mời các tổ chức, cá nhân… có năng lực tham gia phản biện. Các dự án vừa và nhỏ, phân tán thì cũng cần có phản biện, dưới hình thức tổ chức thăm dò ý kiến đối với những người am hiểu trong lĩnh vực mà dự án đó sẽ phát huy tác dụng.

Ngoài ra, còn một hình thức phản biện nữa dù không ai mời song trước những vấn đề bức xúc của TP, chúng ta có thể “viết báo” nói lên những đề xuất, kiến nghị… với các cấp có thẩm quyền, cũng là một việc làm hữu ích.

Ai được tham gia phản biện? Theo tôi không nên tạo sự “độc quyền” trong việc tham gia phản biện, mà mọi tổ chức hội, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ đều được quyền tham gia phản biện nếu có người đủ trình độ về các lĩnh vực đó. Một nhóm cá nhân có kiến thức, đồng quan điểm… cũng có thể tham gia phản biện, không nên bắt buộc phải gắn với một tổ chức nào đó.

Kinh phí dành cho công tác phản biện nên tính vào giá thành của dự án là hợp lý nhất. Cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ vấn đề này! Khó khăn nhất là giá thành “chất lượng” của mỗi đợt phản biện ra sao? Cần có bộ phận tư vấn khách quan đánh giá chất lượng phản biện, để trả thù lao cho tương xứng.

Thông qua phản biện sẽ chắt lọc được trí tuệ của nhiều người, nhằm tránh những sai sót không những khi quyết định đầu tư các dự án mà cả những chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến nhiều người, điều đó là vô cùng cần thiết.

KS. PHAN PHÙNG SANH
Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT Xây dựng TPHCM

Tin cùng chuyên mục