(SGGPO).- Chiều 16-3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông.
Nhiều vụ tan nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
Báo cáo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II-2017, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 2 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với 2 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 153 vụ (giảm 4,23%), số người chết giảm 20 người (giảm 1,26%), số người bị thương giảm 707 người (giảm 21%). Trong đó, có 34 tỉnh thành giảm số người chết vì TNGT và 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay cả nước đã xảy ra 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết 34 người, bị thương 30 người; 9 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 17 người, bị thương 62 người; trong đó có 17 vụ TNGT đường bộ, 2 vụ TNGT đường sắt, 2 vụ TNGT đường thủy nội địa.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông.
Cũng trong 2 tháng, các lực lượng thanh tra của ngành GT-VT đã thực hiện trên 18.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt gần 14.000 vụ vi phạm với số tiền trên 39,6 tỷ đồng; tạm giữ 36 ô tô; đình chỉ hoạt động 70 phương tiện thủy nội địa; giám sát 163 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 229 kỳ sát hạch lái xe mô tô. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, lập biên bản gần 700.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền trên 400 tỷ đồng; tạm giữ trên 5.000 ô tô và gần 100.000 xe mô tô; tước gần 60.000 giấy phép lái xe.
Từ đầu năm 2017 đến ngày 22-2-2017, tổng số thu phí sử dụng đường bộ trên cả nước ước đạt 907,6 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đăng ký mới 59.169 ô tô, 557.512 xe mô tô và 510.432 xe máy điện; nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 3.092.696 xe ô tô, 47.689.440 xe mô tô và 510.432 xe máy điện.
Tính từ 18-12-016 đến hết ngày 18-2-2017, các trạm kiểm tra trọng tải xa lưu động trên cả nước đã kiểm tra 18.550 xe, trong đó vi phạm 7.591 xe (chiếm 42.3%).
Ủy ban đánh giá, trong những tháng đầu năm, tuy có lễ, tết nhưng với sự nỗ lực cao, tình hình trậ tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định. TNGT được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT.
Tuy nhiên, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cũng nhận định, TNGT đường thủy tăng cả số người chết (tăng +83.33%). Trong tháng 2 và đầu tháng 3 xảy ra 19 vụ TNGT đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm chết 45 người, bị thương 72 người, làm thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó điển hình là 2 vụ TNGT đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM, 3 vụ TNGT liên quan đến ô tô chở khách hợp đồng tại Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai làm chết 4 người và bị thương 55 người; 11 vụ tai nạn giữa xe ô tô tải với mô tô, xe máy làm 24 người chết và 13 người bị thương.
Thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch. Tình xe dù, bến cóc có xu hướng tăng tại một số địa phương. Vi phạm về chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nguyên nhân một phần do chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nên việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương chưa đi vào thực chất, chưa hiệu quả. Còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định. Cùng với đó là các nguyên nhân còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ cũng như hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông..
TPHCM, Hà Nội cần kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tới đây có thể luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương khi để xảy ra TNGT.
Phó Thủ tướng biểu dương Hà Nội, TPHCM đã kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, sắp xếp lại các bến bãi xe. “Cần tiếp tục kiên quyết làm. Cần chú trọng lập lại trật tự giao thông đô thị, sắp xếp lại bến bãi xe khách, việc lập lại trật tự vỉa hè cần bền vững, không để làm xong lại tái phát, có phong trào rồi thì phải duy trì. Đặc biệt, phải kiên quyết không để tái diễn tình trạng đua xe trái phép”, Phó Thủ tướng nêu.
Đặc biệt, với báo cáo của TPHCM cho biết việc lập lại trật tự lòng lề đường sẽ kiên quyết, bảo đảm duy trì hiệu quả, không phải là đẩy đuổi người bán hàng rong, Phó Thủ tướng hoan nghênh chủ trương này của TPHCM. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, việc này chắc sẽ sẽ ảnh hưởng đến bà con bán hàng rong, vì vậy TPHCM phải có giải pháp, phương án tổ chức, sắp xếp lại cho bà con, không để tái phát việc lấn chiếm vỉa hè.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng TPHCM đã giảm được TNGT nhưng ùn tắc giao thông lại ngày càng nghiêm trọng, vì vậy cần có phương án để giải quyết, nhất là ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. “TP cần bố trí lại các bãi đỗ xe, làm các bãi đỗ xe nổi. Có thể phối hợp với sân bay Tân Sơn Nhất để tổ chức thêm các khu vực làm thủ tục sân bay chứ không nhất thiết phải dồn ra sân bay để giảm nguy cơ ùn tắc”, Phó Thủ tướng gợi ý.
PHAN THẢO