Đầu năm 2006, tập đoàn VNPT sẽ ra mắt

Đầu năm 2006, tập đoàn VNPT sẽ ra mắt

Đây là thông tin vừa được xác nhận sau buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ BC-VT và lãnh đạo Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Theo đó, đầu năm 2006, tập đoàn VNPT - tập đoàn kinh tế thứ hai của Việt Nam sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên SGGP đã có cuộc trò chuyện với Phó Tổng Giám đốc VNPT – Trần Mạnh Hùng.

Đầu năm 2006, tập đoàn VNPT sẽ ra mắt ảnh 1

Bưu Điện Gia Lai - một trung tâm bưu chính, viễn thông mạnh của khu vực Tây Nguyên.

- PV: Xin ông cho biết tiến độ của việc xây dựng tập đoàn của VNPT hiện nay?

- Ông TRẦN MẠNH HÙNG:
Với sự chỉ đạo của Bộ BC-VT, chúng tôi đã xây dựng xong bộ khung về nhân sự và mô hình hoạt động của các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Sắp tới sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về những vấn đề này và dự kiến trong tháng 12 sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Nếu Thủ tướng phê duyệt sớm, đầu năm 2006 tập đoàn sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.

- Trước đây có thông tin là ít nhất đến giữa năm 2006 tập đoàn VNPT mới có thể ra mắt được?

- Quyết tâm ra mắt vào đầu năm 2006 vừa được lãnh đạo Bộ BC-VT và VNPT thống nhất và đây cũng theo đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo Quyết định số 58 về việc hình thành tập đoàn VNPT trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại VNPT và các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, sau khi ra mắt, những việc khác như xây dựng quy chế tài chính, chuyển đổi hoàn toàn các đơn vị thành viên, hoàn thiện bộ máy… sẽ tiếp tục được thực hiện và những công việc này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2006.

- Tập đoàn Than được phê duyệt đề án sau nhưng đã ra mắt trước VNPT. Phải chăng quá trình xây dựng tập đoàn của VNPT có gì khó khăn?

- So với Tổng công ty Than, VNPT có cơ cấu tổ chức và lĩnh vực hoạt động phức tạp hơn nhiều. Hiện nay VNPT có tới 124 công ty, đơn vị trực thuộc hoặc thành viên với hơn 90.000 nhân viên và được xem là một trong những công ty lớn nhất của cả nước hiện nay trên mọi phương diện.

Đó là chưa tính đến việc phải chia tách các đơn vị bưu điện tỉnh thành phố, với nhiều vấn đề tranh cãi xoay quanh yếu tố kinh doanh và công ích mà VNPT phải gánh vác khi tách mảng bưu chính ra thành một tổng công ty độc lập… Chính từ những vấn đề đó, việc hình thành tập đoàn VNPT được triển khai chậm hơn Tập đoàn Than.

- Ông có thể cho biết một số điểm chính của việc xây dựng mô hình các tổng công ty và công ty “mẹ - con” trong tập đoàn VNPT?

- Các công ty trực thuộc VNPT hiện nay sẽ trở thành các tổng công ty độc lập, tự hoạch toán kinh doanh, như: Công ty Điện toán và truyền số liệu - VDC, Công ty viễn thông quốc tế - VTI, Công ty viễn thông liên tỉnh VTN… Ngoài ra sẽ thành lập 3 tổng công ty viễn thông ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để khai thác và quản lý các dịch vụ viễn thông nội tỉnh, nội vùng. Riêng hệ thống mạng đường trục quốc gia sẽ do tập đoàn trực tiếp quản lý và điều hành. Đây cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho tập đoàn.

- Tập đoàn VNPT đi vào hoạt động, theo ông đâu là điểm khác biệt nhất so với hoạt động của VNPT hiện nay?

- Đó là tính năng động và tự chủ của các đơn vị thành viên. Khi ấy các tổng công ty sẽ có toàn quyền quyết định về nhân sự, đầu tư, kinh doanh… Như vậy hiệu quả kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, chất lượng phục vụ khách hàng chắc chắn sẽ tốt hơn. Mục tiêu chung tập đoàn chỉ điều hành các tổng công ty qua việc xây dựng những chiến lược phát triển dài hạn thông qua sự đầu tư vốn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kinh doanh hàng năm.

- Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc tiến hành cổ phần hóa 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone. Xin ông cho biết, công việc này hiện đang được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay Công ty VMS – chủ quản mạng MobiFone vẫn đang tiếp tục thực hiện thanh lý những hợp đồng với đối tác Comvik Thuỵ Điển. Sau khi thanh lý xong thì mới tiến hành định giá tài sản. Đây là vấn đề quan trọng nhất và chắc chắn chúng ta phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn. Theo kế hoạch, vào khoảng giữa năm 2006, MobiFone mới có thể hoàn thành được việc cổ phần hóa.

Đối với mạng VinaPhone, mặc dù đã xây dựng đề án cổ phần hóa nhưng hiện nay chưa thực hiện được. Không thể thực hiện cổ phần hóa cả 2 mạng một lúc khi mà chúng ta chưa có chút kinh nghiệm nào về việc cổ phần hóa một mạng điện thoại di động!

- Xin cảm ơn ông! 

NHẤT LIÊN (thực hiện)
 

Tin cùng chuyên mục