Bi kịch ở “làng nuôi gấu” Phụng Thượng: Người nhỏ lệ, gấu đem cho

Ngạc nhiên chưa?
Bi kịch ở “làng nuôi gấu” Phụng Thượng: Người nhỏ lệ, gấu đem cho

Cách đây 2 tháng, cả làng Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Tây) vẫn còn tới hơn 400 con gấu ngựa. Thế nhưng mới đây, khi chúng tôi trở lại, ông Nguyễn Quốc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã, than phiền: “Nhà nhà đều bán tống bán tháo đi Hải Phòng, Quảng Ninh để làm thịt cả rồi. Bây giờ chỉ còn vài chục con”. 

Ngạc nhiên chưa?

Bi kịch ở “làng nuôi gấu” Phụng Thượng: Người nhỏ lệ, gấu đem cho ảnh 1

Một con gấu đang bị rút mật

Dọc quốc lộ 32 Hà Nội - Sơn Tây chạy qua Phụng Thượng - làng nuôi gấu có quy mô lớn và tập trung nhất miền Bắc, nổi tiếng từ 10 năm nay - vẫn còn treo chằng chịt biển hiệu như “trại gấu H.T”, “trang trại nuôi gấu L.Q”, “bán mật gấu tươi nguyên chất”... nhưng khi vào bên trong thì chỉ còn gặp hàng chục, hàng trăm cũi sắt bỏ không, lạnh lẽo, hoen gỉ. Nồi, niêu, lò bếp và những dụng cụ chăn nuôi gấu vứt chỏng chơ ở góc vườn, xó nhà...

Anh P.H.T, hơn 40 tuổi, một chủ trại nuôi gấu trong làng, thở dài: “Cách đây 2 tháng, nhà tôi cũng nuôi hơn chục con. Nhưng mới đây tôi phải theo nhiều chủ trại khác gửi “đầu nậu” chuyển xuống Hải Phòng, Quảng Ninh, bán đổ bán tháo để họ làm thịt, với giá chỉ có 15-20 triệu đồng/con, gỡ lại chút vốn”.

Chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Phụng Thượng, ông Nguyễn Quốc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, chính nhà ông cũng nuôi gấu và phải “chuyển nhượng lại cho nhà khác vì không thể nuôi được nữa”. Ông Lý nêu ngay lý do: “Giá mật gấu 2 tháng qua sụt giảm không ngờ nổi. Nhà nào bán khéo thì được 20.000-25.000đ/1cc. Rất nhiều nhà đã chấp nhận bán đổ bán tháo với giá chỉ 10.000đ/1cc mật tươi nguyên chất”.

Do giá mật rớt nên hầu như không chủ trại nào còn muốn nuôi gấu. “Nhiều chủ trại còn trói gấu lại, đem đi cho mà cũng không ai chịu lấy”, ông Lý giãi bày. Trong khi, phần lớn số gấu ở Phụng Thượng đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Tây gắn chíp, đưa vào sổ, cấm di chuyển ra khỏi khu vực nuôi nhốt theo luật định, nên không thể tự tiện “phi tang” như gấu hoang dã được. Không còn cách nào khác, một số chủ trại viện lý do gấu ốm, lăn ra chết nên phải xẻ thịt, rồi gọi cán bộ kiểm lâm xuống chứng nhận việc con gấu chết do mắc bệnh.

“Giết một con gấu để bán thịt cũng chỉ được 5-7 triệu đồng, trong khi lúc mua mỗi con lên tới 40-60 triệu đồng (gấu con), chưa kể thời gian, tiền của bỏ ra… nên phần lớn các chủ trại đã lén lút đưa gấu xuống Hải Phòng, Quảng Ninh “sang tay” cho các công ty, nhà hàng như trút đi một món nợ”, ông Lý thổ lộ. Đến thời điểm này, cả làng Phụng Thượng chỉ còn lại 4 trang trại với gần 100 con gấu.

Trong khi đó, theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), kể cả số gấu nuôi đã được gắn chíp nhưng việc vận chuyển không được cấp có thẩm quyền cho phép đã vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý gấu nuôi, chưa kể hành vi tự tiện buôn bán, giết mổ.

Cho không cũng không ai lấy

Bi kịch ở “làng nuôi gấu” Phụng Thượng: Người nhỏ lệ, gấu đem cho ảnh 2

Gấu ngựa hoang dã được đưa về nuôi nhốt tại làng Phụng Thượng (Phúc Thọ-Hà Tây)

Trở lại trang trại gấu An Cảnh nằm ở đầu làng Phụng Thượng. Trong 3 khu chuồng trại lạnh lẽo, nhiều lồng sắt phủ mạng nhện. Chỉ còn lại 26 con gấu ngựa, trọng lượng khoảng 90-150kg/con được nhốt trong những cũi sắt gò bó, chật hẹp, nằm mệt mỏi, xếp vào một khu ẩm tối. Đây chính là nơi đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm đã đột nhập và phát hiện “thừa” 27 con gấu ngựa hồi đầu tháng 8-2007, sau đó 2 ngày thì toàn bộ số gấu thừa lại “biến mất”.

Chủ nhân của trại An Cảnh là anh Cấn Tiến Cảnh, hơn 40 tuổi, âu sầu: “Trong khi giá mật tụt xuống chỉ còn được 10.000-20.000đ/1cc (mỗi năm một con gấu chỉ có 2 lần cho rút mật) mà còn khó bán trong khi một con gấu phải cho ăn tới 40.000đ/ngày mới đủ, khiến người nuôi chịu không nổi”. Thức ăn cho gấu còn đắt hơn cho người ăn, gồm toàn là trứng, đường, đậu, gạo nếp, bơ, sữa… Do đó, bây giờ càng nuôi nhiều gấu càng nhanh phá sản. Càng giữ gấu chậm một ngày càng... toát mồ hôi.

Điều này bắt buộc chủ trại phải cắt dần khẩu phần ăn của gấu từ 40.000đ/con/ngày xuống còn 10.000đ/con/ngày. Thậm chí nhiều nhà còn không lo đủ thức ăn, phải đem sang gửi nhờ người khác chăm nom giúp, như trường hợp các anh Hoàng Thanh Tùng và Trần Văn Phượng đã gửi nhờ anh nuôi 27 con gấu gây xôn xao dư luận.

Đưa chúng tôi đi thăm khu nhà kho trống trải, dưới nền đất bày mấy nồi cháo (thức ăn của gấu), ruồi nhặng bu đen, anh Cảnh bảo: “Cho đến giờ, chúng tôi rất ngao ngán, không muốn nuôi gấu nữa. Do gấu đã bị niêm phong, gắn chíp để theo dõi nên không thể tự tiện giết, bán đi. Nhưng nếu Nhà nước, đặc biệt là Cục Kiểm lâm hỗ trợ cho chúng tôi mỗi con gấu vài triệu đồng, thậm chí vài trăm ngàn đồng cũng được, để chúng tôi chuyển hướng sang nuôi con khác, làm việc khác… thì chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ”.

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục