Bà con trong làng ai cũng bảo mẹ tôi sinh ra và lớn lên không được đẹp gái. Có lẽ đó là duyên cớ để sau này khi gả cho họ Lý, người ta gọi bà là nàng dâu xấu xí, rồi khi đã sinh ra tôi, người ta lại tiếp tục cải xưng cho bà là “xú nương”.
Mẹ tôi kể lại, bà nhập thế vào cái năm thứ sáu của cuộc chiến giữa Nhật Bản và Trung Hoa. Tôi sống với mẹ đến năm tám tuổi thì bố tôi gởi tôi vào một trường tiểu học trên phố. Lúc đó tôi chưa hiểu chữ “xú” nghĩa là gì, vì mẹ rất thương tôi, hết mực chăm nom tôi. Trước khi tôi lên đường, bà cho tôi một đôi giày vải có lông bên trong, một túi đựng sách vở, trong túi có cây bút chì và bọc trứng gà. Tôi vẫn còn nhớ mang máng mẹ tiễn tôi ra đến cổng làng, bà khóc. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi khóc, từng giọt từng giọt nước mắt lăn trên đôi gò má của bà, rồi rơi xuống tay tôi.
Tôi bắt đầu nhận biết người mẹ của mình từ một sự việc như sau: hôm đó, chúng tôi học bài thể dục, không thể mang đôi giày của mẹ cho, tôi liền cởi ra đặt lên giá. Vừa lúc đó thầy giáo nhìn thấy, ông cầm đôi giày, xem rất kỹ, rồi giơ cao đôi giày mà nói rằng: “Đôi giày thật là đẹp!”. Nói đoạn ông xem đế giày, đếm được 8 lớp vải, đường kim mũi chỉ thật chặt chẽ và đều đặn, mũi giày và gót giày lại thêu hoa. Sau đó ông hỏi tôi: “Mẹ của em nhất định phải là người đẹp lắm?”. Tôi đang trù trừ chưa biết trả lời với thầy ra sao thì một bạn học người cùng làng đã cướp lời: “Thưa thầy, mẹ bạn ấy không đẹp đâu ạ, người làng con gọi là xú nương ạ”.
- Từ đó tôi lờ mờ hiểu được “xú” nghĩa là gì.
Có thể là thầy giáo nói sai, có thể là câu trả lời của người bạn học kia là đúng. Thực tình mẹ tôi không đẹp, nước da đen, trước kia tóc mẹ tôi dài lắm nhưng những năm giải phóng đã cắt ngắn đến ngang tai, trên trán có cái bớt rất to, tóm lại bà có bộ mặt thật đen đủi. Vì thế, lòng tôi như có gì uẩn khúc, tôi ít nhắc đến bà trong các trường hợp công khai và rất ngại ngùng mời bạn về nhà. Mỗi lần nghỉ hè về quê, tôi ngơ ngác nhìn người mẹ sinh ra tôi, bà ôm tôi vào lòng và cứ im lặng, im lặng như đang mắc một món nợ gì đó. Rồi trước khi tôi lên đường trở về trường, mẹ tôi lại cho tôi một đôi giày vải có lông bên trong và hai hốc mắt đen nháy của bà lại như hai hồ nước, cho dù có bị tô đậm màu đen của đêm đen, người ta cũng cảm nhận được ở đó một ánh sáng diệu kỳ.
Có rất nhiều sự kiện trong cuộc sống, phải đợi một thời gian, phải đợi đến sau này mới có thể giải thích tường tận và công minh được.
Những năm sáu mươi, tôi đã trở thành một chàng trai, còn mẹ tôi thì già đi nhiều, đôi gò má thuở xưa tuy đen nhưng đầy đặn giờ đã lõm sâu xuống, tóc rụng và trắng ra, những đường gân nổi cộm trên mu bàn tay gầy guộc. Nghĩ lại người mẹ một đời nuôi tôi, chịu khổ cực trăm bề nơi thôn quê, một người đàn bà xấu xí ngày ngày phải đối mặt với những chê cười, với những lời đàm tiếu của người đời, lòng tôi xốn xang. Một hôm tôi mua về cho mẹ mấy tấm áo màu xanh lam có thêu hoa nhạt và hai lọ cao hoa tuyết. Mẹ tôi kinh ngạc, rồi như hồi tôi còn bé, bà ôm tôi vào lòng và mấp máy đôi môi: “Con làm gì thế này, mẹ đâu xứng, đợi đến lúc con có vợ để cho vợ con”. Nói đến đây, bà dặn tôi phải đưa người yêu về nhà cho bà xem mặt, cho bà vui mừng.
Mười năm sau tôi mới kết hôn. Theo lời mẹ dặn, trước ngày cưới tôi đưa nhà tôi về thăm mẹ. Tôi nói rất nhiều với nàng rằng mẹ một đời cực khổ ở thôn quê, người nhà quê vừa già vừa xấu, gặp mẹ, em cố làm cho mẹ yên lòng. Nhà tôi đáp lại: “Ai mà không có một ngày phải già nua, nhưng mẹ nhất định không phải là người xấu”.
Về đến nhà, không biết sao mà vắng vẻ vậy, nhưng sau đó nhìn những đôi mắt đỏ tấy, sưng húp của bố và em trai, tôi đã hiểu được phần nào. Bố nói lúc mẹ bệnh, mẹ dặn bố đừng cho con biết, làm hỏng cuộc vui của con. Nhìn lại căn nhà trống trải và sự sống như bị cướp đi, tôi vật vã đau đớn. Tôi đến bên giường của mẹ, sắp lại những di vật của người thì nhìn thấy một bọc vải hồng điều đặt bên cạnh chiếc gối của bà, mở ra là hai đôi giày – một lớn, một bé, mẹ khâu cho tôi và cho con dâu của mẹ. Chúng tôi khóc thương mẹ và trong lòng tôi vang lên lời của người thầy giáo năm xưa: “Mẹ của em nhất định là người đẹp, đẹp lắm”.
T.N.B.L. dịch theo Độc giả văn trích (Trung Quốc)