
Năm 2003, Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL khởi động phong trào trồng ca cao xuất khẩu xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái và chọn ca cao là cây trồng thế mạnh thứ 2 của tỉnh nhà. Lợi ích kinh tế từ mô hình xen canh mới này tăng gấp 1,5 lần so với độc canh cây dừa trước đây…
- “Nàng dâu ngoại” triển vọng…

Những năm gần đây, Trung Quốc, Thái Lan “đổ bộ” cạnh tranh thu mua nguyên liệu dừa trái với các doanh nghiệp sản xuất dừa trong nước, do cung vượt cầu nên giá dừa tăng vọt.
Người dân ĐBSCL quay trở lại trồng dừa. Cộng thêm việc trồng xen cây ca cao xuất khẩu trong vườn dừa, vườn cây ăn trái, thu nhập tăng gấp đôi, người dân xứ dừa đang sống trong tâm trạng phấn chấn”.
Anh Trần Hùng Sơn (ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) được người dân địa phương đặt cho cái tên khá kêu là “chuyên gia” trồng ca cao.
Vui vẻ, hiếu khách, đặc biệt không giấu nghề, anh Sơn tâm đắc kể về “tính nết nàng dâu ngoại”: “Cây ca cao không khó trồng, đặc biệt nếu trồng xen với cây ăn trái, cây dừa giữ được độ ẩm, độ che phủ thì chỉ 2 năm là cho trái. Với 900 gốc ca cao 5 năm tuổi, năm ngoái tôi thu về 150 triệu đồng, căn nhà tường khang trang nằm giữa vườn này xây dựng hơn 100 triệu đồng cũng là từ lợi nhuận cây ca cao đó”.
Theo anh Sơn, cây ca cao không xa lạ gì với người dân xứ dừa, cách đây 30 năm anh đã trồng ca cao xen với 1ha vườn nhãn. Nhưng khi ca cao có trái được 4 năm, không hiểu lý do gì mà bán không ai mua, anh phải ngậm ngùi đốn hàng ngàn gốc ca cao đang xanh mượt, sung sức. Giờ cây ca cao sống lại, “tuy nhiên, để trồng ca cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, yếu tố giống quyết định sự thành công rất lớn”, anh Sơn khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng trạm thu mua ca cao hạt của Công ty ED&FMAN tại huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết: “Cây ca cao đang có sức hấp dẫn rất lớn, đầu ra rất lý tưởng do cung không đủ cầu. Các nước Malaysia, Nam Mỹ, Bờ Biển Ngà... rất chuộng cây ca cao Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đổ về ĐBSCL lùng mua sản phẩm ca cao (trái và hạt thô) nhưng không đủ hàng”.
- Để cây ca cao không “chết yểu”
Năm 2004, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang triển khai dự án trồng 2.800ha cây ca cao dưới chân vườn dừa, vườn cây ăn trái - do một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trị giá hơn 1 triệu USD. Hiện nay, do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên giá trái tươi bán cho thương lái và các điểm thu mua từ 1.400đ - 2.000đ/kg, hoặc bán hạt khô cho điểm thu mua của hai công ty Cargill và ED&FMAN với giá 24.000đ đến 27.000đ/kg.
Phần lớn sản phẩm ca cao do nông dân làm ra do hai công ty Cargill và ED&FMAN chi phối về thu mua, giá cả. Theo cách tính của các nhà khoa học, nhà kinh tế, các chuyên viên dự án trồng ca cao: 1ha ca cao sau 4 năm trồng, nhà vườn thu được 36 triệu đồng bán sản phẩm mỗi năm, trừ chi phí còn lãi ròng 70%. Nếu đúng như lý thuyết trên thì đây là con số “trong mơ”, cây ca cao không chỉ “xóa đói giảm nghèo” mà là “cây triệu phú”, cây của sự phồn vinh.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao đảm bảo thế mạnh của ca cao Việt Nam trên thị trường thế giới. “Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo phong trào, cây gì cũng có, chủng loại không đồng nhất, chất lượng kém nên phần lớn hàng nông sản Việt Nam kém lợi thế cạnh tranh so với các nước khu vực” - đó là nhận xét của Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.
Bài học cây dừa, bông vải, cây mè, cây điều, cây mía… lâm vào điệp khúc “được giá ồ ạt trồng, rớt giá ào ào chặt” do thiếu một chiến lược liên kết, phát triển toàn diện từ xây dựng vùng nguyên liệu đến thu mua chế biến, xuất khẩu vẫn còn nguyên giá trị. Mong rằng sinh khí lạc quan của cây ca cao trên “vương quốc” dừa sẽ không lặp lại như số phận của những cây trồng nói trên.
Nhiệt tình, năng nổ, trong vai “hướng dẫn viên”, thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò (Viện Dầu thực vật Việt Nam) hồ hởi kể về sự thăng hoa của cây dừa đồng bằng “cộng sinh” với cây ca cao: “Suốt thời gian dài, ngành dừa Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng lao đao về đầu ra, về giá do không cạnh tranh lại Trung Quốc và các nước trong khu vực. Người dân trồng dừa Bến Tre, Trà Vinh - hai tỉnh có diện tích dừa đứng đầu cả nước - “triệt hạ” cây dừa chạy theo cây trồng khác. |
ĐÌNH CẢNH