Trong điều trị, các thuốc kháng viêm tổng hợp kinh điển có tính chất giống như các corticosteroid là các hormone tiết ra từ vỏ thượng thận hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến. Thường gặp nhất là các chất thuộc nhóm glucocorticoid như dexamethasone, prednisone, prednisolone, hydrocortisone, triamcinolone hoặc xuất hiện sau này như beclomethasone, betamethasone, flunisolide. Đây là những thuốc được xếp vào nhóm thuốc kháng viêm steroid, hoặc thuốc kháng viêm loại corticoid, thuốc được dùng khi thật cần thiết và thường được sử dụng như là liệu pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi dùng các hoạt chất trên trong thời gian dài, các tác dụng không mong muốn hoặc các phản ứng có hại sẽ xuất hiện gây các hậu quả cho cơ thể:
Trên hệ thần kinh trung ương: thuốc được ghi nhận có gây nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, kích động, gây bất thường về điện tâm đồ. Người dùng thuốc thường không ổn định về mặt tâm lý, cảm xúc, có thể hưng phấn hoặc ức chế thần kinh.
Trên hệ xương, da: gây thiếu hụt corticoid nội sinh, làm teo khung protein của xương gây loãng xương dẫn đến gãy xương nhất là trên phụ nữ tiền mãn kinh hoặc ở người lớn tuổi. Trên da, khi dùng corticoid lâu ngày, da có thể mỏng hơn, xuất hiện mụn trứng cá, tăng bài tiết mồ hôi, rậm lông. Người nhạy cảm với corticoid có thể bị viêm da dị ứng, ngứa.
Rối loạn nước và chất điện giải: do việc giữ lại ion Na+ trong cơ thể sẽ gây phù, giảm kali huyết, làm tăng huyết áp, làm tăng thải trừ calci gây hạ calci huyết.
Trên mắt: dùng lâu dài corticoid sẽ ảnh hưởng xấu đến thần kinh thị giác, gây tăng nhãn áp trong bệnh glaucoma cũng như tăng nguy cơ nhiễm nấm hoặc nhiễm virus thứ cấp tại mắt.
Trên hệ nội tiết: do quá dư thừa corticoid trong máu nên xuất hiện hội chứng Cushing với tình trạng béo phì và khuôn mặt giống như trăng tròn. Phụ nữ dùng dài ngày corticoid có thể bị tắt kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Do glucocorticoid không dung nạp glucose nên dễ làm tăng đường huyết, vì vậy sẽ gây nguy hại nhiều hơn đối với người bệnh đái tháo đường. Corticosteroid cũng được báo cáo làm giảm hoạt động cũng như giảm lượng tinh trùng trên một số nam giới.
Trên hệ tiêu hóa: tác dụng không mong muốn của corticosteroid là gây nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón, có thể gây chán ăn trên một số người. Tuy nhiên, chất này cũng tạo sự thèm ăn và thường bị lạm dụng như thuốc làm tăng cân. Ngoài ra, thuốc còn gây viêm tụy, gây viêm loét dạ dày thực quản, dùng lâu ngày dẫn đến thủng dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa. Việc dùng phối hợp cùng lúc với các thuốc kháng acid dịch vị hoặc uống các thuốc corticoid trước hoặc trong bữa ăn chỉ giúp làm giảm bớt nguy cơ kích ứng dạ dày.
Với trẻ em: các thuốc có chứa corticoid sẽ làm chậm phát triển xương, liều cao gây viêm tụy, vì vậy không nên dùng hoặc chỉ dùng với liều tối thiểu khi thật cần thiết đối với trẻ.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú: thuốc cũng có hại cho phụ nữ mang thai với các tình trạng bất thường cho thai nhi. Do corticoid phân phối bài tiết được trong sữa mẹ nên trẻ bú sữa mẹ có nguy cơ chậm tăng trưởng.
Ngoài ra, do thuốc làm tăng tính nhạy cảm hoặc che giấu tình trạng của các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus, nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm nên việc sử dụng corticoid trong các trường hợp này sẽ được nhà điều trị xem xét cân nhắc vì có thể sẽ làm bệnh nặng hơn hoặc có thể gây tử vong.
PGS-TS TRƯƠNG VĂN TUẤN
(Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)