Trước khi độc lập, Singapore có rất ít trường đào tạo giáo dục nghề. Cơ sở vật chất các trường nghề hạn chế, nguồn nhân lực được đào tạo và đội ngũ lao động còn yếu về kiến thức và kỹ năng. Chính phủ Singapore đã có tầm nhìn xa khi đưa ra chính sách phát triển GD kỹ thuật nghề một cách có hệ thống và vững chắc.
Bài học số 1: Chính sách thay đổi hướng đến giáo dục nghề và kỹ thuật nghề
Năm 1973, nhà nước bắt buộc HS năm thứ 3 và thứ 4 của bậc THCS phải học các chương trình kỹ thuật nghề như một phần bắt buộc của chương trình phổ thông. Chương trình này sau đó trở thành một mô hình kỹ thuật nghề căn bản được chính phủ tài trợ, giám sát và liên tục điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Năm 1992, HS Singapore năm thứ 2 bậc THCS phải trải qua 3 ngày tự làm quen với các khóa học nghề và cuộc sống tại các trường kỹ thuật nghề.
Bài học số 2: Thay đổi nhận thức của công chúng về hình ảnh giáo dục nghề
Để khắc phục rào cản tâm lý kính trọng những người có bằng ĐH, xem thường công nhân kỹ thuật, chính phủ đã sử dụng chiến dịch “sử dụng đôi bàn tay”. Các môn học như vẽ kỹ thuật, cơ khí, mộc, điện cơ bản được dạy cơ bản ở bậc THCS. Ngoài ra còn có các cuộc thi trên truyền hình, quảng bá thông tin, hình ảnh tích cực của giáo dục nghề nhằm thu hút sự quan tâm và đẩy mạnh tầm quan trọng của kỹ năng nghề trong giới trẻ.
Bài học số 3: Tác dụng lực đòn đẩy
Việc có sẵn lực lượng lao động kỹ thuật nghề tốt được Singapore sử dụng như một công cụ chiến lược thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, lực lượng này chưa đủ để đảm bảo cung cấp số lượng và kỹ năng theo nhu cầu doanh nghiệp. Chính phủ khuyến khích các công ty lớn liên kết với chính phủ mở các trung tâm đào tạo của nhà nước hoặc thành lập các viện kỹ thuật với các nước Nhật, Đức, Pháp.
Bài học số 4: Chuyển đổi hệ thống giáo dục nghề
Singapore phân luồng được 25% HS sau khi hoàn thành chương trình phổ thông vào trường nghề. Hệ thống dạy nghề của Singapore với phương châm “Đôi tay, khối óc và trái tim” được cả quốc tế công nhận chất lượng. Năm 2007, Singapore có một trường nghề nhận giải thưởng hạng A của ĐH Harvard, Mỹ.
Giáo dục nghề của Singapore chuyển đổi được cả hệ thống là nhờ sự kiên định trong đeo đuổi sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị, không ngại học hỏi các mô hình tiên tiến. Đảo quốc sư tử này cũng đã xây dựng được đội ngũ lãnh đạo và nhân viên vững mạnh, tận tâm cống hiến vì giáo dục kỹ thuật nghề.
Chuyên gia Kay Kong Huat