Chọn nhà để ở
Hồng Minh, quê ở Long Xuyên, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm TPHCM, kể: “Tôi đến xem phòng thuê tại số 54 Trần Bình Trọng, quận 5 theo một bài đăng của tài khoản Ana Nguyễn trên trang thuê nhà trọ Lozi. Phòng sạch sẽ, thoáng mát và gần trường nên tôi đồng ý thuê. Ana yêu cầu phải đưa trước một tháng tiền nhà là 2,5 triệu đồng để đặt cọc, sau đó đưa cho tôi một bản hợp đồng viết tay. Đến ngày dọn vào, tôi không liên hệ được với Ana và chủ của nhà trọ - cô Sơn, không cho tôi dọn vào. Hỏi ra mới hay, người tôi gặp là người thuê trọ cũ và cô Sơn đã nhờ bạn này tìm người thuê mới trước khi dọn đi. Mất cả chì lẫn chài, tôi đành phải xin cô cho ở nhờ 2 ngày và điện thoại về cho mẹ để chuyển thêm tiền”.
Theo những sinh viên có kinh nghiệm tìm nhà trọ, không nên đặt kỳ vọng sẽ tìm được nơi ở trong mơ ngay lần đầu tiên, thay vào đó, có thể tìm một nơi ở tạm hoặc đăng ký ở ký túc xá của trường (nếu có).
Đinh Nam, sinh viên năm cuối Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết: “Trong 4 năm học tại thành phố, tôi đã phải tìm phòng trọ đến 7 lần cho tôi và 4 lần cho bạn tôi. Kinh nghiệm nhờ đó cũng tăng thêm. Khi xem nhà cần chú ý những vấn đề như nước sinh hoạt có sạch hay không, giá điện nước, chỗ giữ xe, lối sống của hàng xóm và môi trường xung quanh. Có một lần tôi thuê nhà trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, trước khi vào ở, thái độ của chủ nhà thân thiện và thường giúp đỡ, nhưng ở được 2 tháng thì họ báo giá điện nước tăng và phải đóng thêm chi phí bảo dưỡng. Tiếp đến là tiền làm giấy tạm trú, phí sinh hoạt khu phố, tiền bảo vệ, trong khi trước khi ký hợp đồng không hề đề cập đến vấn đề này. Tôi chần chừ không đóng thì chủ đòi lấy lại phòng cho người khác thuê. Cứ sau mỗi tháng, chủ nhà lại có thêm loại phí mới để thu, thấy không ổn, tôi đành dọn đi trước khi kết thúc hợp đồng và chấp nhận mất cọc. Sau đó, tôi lên trang đăng bài của chủ nhà và viết bài đánh giá thì bị gọi điện thoại hăm dọa và bắt xóa”.
Trong quá trình tìm phòng trọ, sinh viên có thể sẽ gặp được nơi ở tạm được với giá thuê phải chăng nhưng đừng vội mừng vì trong thời gian sinh hoạt sẽ có những vấn đề phát sinh như tăng giá, ồn ào, không đảm bảo an ninh. Trong trường hợp này, sinh viên có thể đề nghị ký hợp đồng trong 6 tháng, sau đó nếu cảm thấy có thể ở lâu dài và không có vấn đề xảy ra mới đề nghị tái ký hợp đồng lâu dài.
Ngoài các trang thông tin mạng cho thuê nhà trọ, sinh viên có thể tìm phòng trọ thông qua các nhóm tình nguyện viên và phòng hỗ trợ sinh viên tại trường mình theo học hoặc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM. Có thể nơi ở sẽ không hoàn hảo như mong đợi nhưng nó sẽ đáp ứng những nhu cầu cơ bản và đáng tin cậy hơn vì đã được xác minh thông tin. Sinh viên cũng nên tham khảo ý kiến phụ huynh, phụ huynh hoặc người lớn nên đi cùng nếu lần đầu tự tìm phòng trọ. Nếu đã đặt cọc nhà, bắt buộc phải ký hợp đồng, nên có điều khoản rõ ràng và có thông tin đầy đủ của hai bên để không phải chịu cảnh vừa mất tiền, vừa không có nơi ở.
Lựa việc mà làm
Sau tìm nhà sẽ cần tìm việc, tại TPHCM không thiếu việc làm nhưng sinh viên cần chọn việc sao cho không ảnh hưởng đến việc học và có thể hỗ trợ cho ngành học của mình. Đa số sinh viên khi tìm việc sẽ quan tâm đến mức lương và thường không tính đến quỹ thời gian dành cho học tập nếu vừa học vừa làm. Vì thế, nhiều sinh viên có kết quả học thấp, thậm chí phải nợ môn và học lại.
Hoàng Liêm, sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng đã phải tốt nghiệp trễ một năm vì vừa đi học, vừa đi làm 8 giờ/ngày. Liêm chia sẻ: “Vì tự lo chi phí ăn ở nên tôi xin làm việc bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi 24 giờ. Né lịch học trên trường, tôi chọn đi làm ca đêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Không phải nghỉ học để đi làm nhưng vào lớp, tôi không thể tiếp thu được gì hết và thường xuyên bị giảng viên nhắc nhở vì ngủ gục trong lớp. Về đến nhà, tôi tiếp tục ngủ vì thiếu ngủ do thức khuya, khi thức dậy trời đã tối, ăn uống, giặt đồ, dọn dẹp xong, tôi lại tiếp tục đi làm. Mỗi tuần chỉ nghỉ được buổi sáng chủ nhật nên gần như không có thời gian để ôn và chuẩn bị bài”.
Đối với những sinh viên không đặt nặng vấn đề kinh tế, nên chọn những công việc giúp phát triển kỹ năng mềm, kinh nghiệm. Nhiều sinh viên trong thời gian đi học đã đặt mục tiêu rõ ràng, sẵn sàng ứng tuyển vào một vị trí không phải chuyên ngành nhưng trong công ty mình mong muốn làm việc và ngay sau khi tốt nghiệp, các bạn đã nhận được công việc mơ ước.
“Sinh viên cũng có thể chọn những công việc có nét tương đồng với ngành học của mình. Nếu đang theo học ngành sư phạm mầm non và không xin được việc tại các nhà trẻ, sinh viên có thể làm việc tại các cửa hàng bán đồ chơi, đồ dùng mẹ và bé để tiếp xúc nhiều hơn với trẻ em, phần nào hiểu được tâm lý của phụ huynh. Hoặc nếu học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, sinh viên có thể tham gia các nhóm giới thiệu ẩm thực, giao lưu với người nước ngoài, phát triển kỹ năng ngoại ngữ và khả năng giao tiếp”, chị Trần Thị Phương Loan, Phòng Nhân sự Trường Quốc tế Saigon Academy, chia sẻ.