Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức kế hoạch hóa gia đình được ngành y tế, tổ chức công đoàn và hội phụ nữ rất quan tâm, nhưng tình trạng có thai ngoài ý muốn vẫn ở mức đáng lo ngại.
Một ngày hơn 200 ca phá thai
Trung bình một ngày, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TPHCM) tiếp nhận hơn 200 ca phá thai. Tuy có giảm so với mọi năm, nhưng con số này vẫn quá cao. Khoa Kế hoạch hóa gia đình được bệnh viện đầu tư đến 5 buồng tư vấn sức khỏe về mang thai, bảo vệ thai và nguy cơ tiềm ẩn của việc phá thai, nhưng vẫn không đủ đáp ứng lượng người cần tư vấn. Thực tế, phần lớn người đến đây muốn được tư vấn việc phá thai, rất hiếm người muốn được tư vấn việc bảo vệ thai nhi.
Chưa đến giờ làm việc, mà dãy ghế ngồi chờ trước phòng tư vấn đã đầy kín. Nhiều người phải đứng chờ ở hành lang, cầu thang. Đến phòng tư vấn, chị L.T.K. cho biết đã phá thai đến 4 lần và lần này chị cũng quyết định phá thai lần nữa, do đã có 1 con là đủ rồi. Chị tâm sự với bác sĩ, chị đang là nhân viên một công ty, không muốn có nhiều con, nhưng chồng chị lại không cho sử dụng các biện pháp tránh thai.
Được mẹ đưa đến đây, gương mặt cô gái trẻ M.A. đầy lo lắng với kết quả khám xác định đã có thai hơn 10 tuần. Mặc dù được nhân viên tư vấn cảnh báo có những nguy cơ tiềm ẩn sau này nếu phá thai, nhưng M.A. và mẹ của cô cho biết không thể giữ thai vì cô đang còn đi học.
Được biết, trong số người đến tư vấn phá thai, phần lớn là những phụ nữ thường xuyên thiếu thốn tình cảm phải sống xa nhà, rất dễ bị cám dỗ như sinh viên và công nhân các tỉnh lên học và làm việc ở TPHCM. Điều đáng lo là những năm gần đây, số người phá thai ở độ tuổi vị thành niên tăng chóng mặt.
Những hệ lụy
Số bệnh nhân các khoa chữa hiếm muộn, vô sinh, biến chứng sau khi mang thai ngày càng tăng, khó chữa hơn. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoàng, Phó trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ, cho biết, chỉ cần phá thai một lần cũng có khả năng để lại nguy cơ tiềm ẩn sau này như hiếm muộn, vô sinh. Có những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe khi mang thai lần kế tiếp, nhiều trường hợp bắt buộc phải phá thai để đảm bảo an toàn cho người mẹ.
Nguyên nhân là do các vết phá thai để lại. Khi thai mới phát triển đã bám theo các vết mổ như dính vào lồng tử cung, hay bàng quang, làm tắc ống dẫn trứng, nhau thai cài răng ngược... Nhiều người đã từng phá thai, đến khi muốn có thai lại, thường bị mắc bệnh hay bào thai có vấn đề, do ảnh hưởng của phá thai nhưng lại muốn giấu chuyện đã từng phá thai, khiến phác đồ điều trị bệnh gặp khó khăn.
Bác sĩ Kim Hoàng chia sẻ: “Thống kê số ca phá thai giảm chỉ là thống kê ở bệnh viện nhà nước, nhưng thực tế vẫn tăng - do các ca phá thai ở bệnh viện tư nhân tăng không có con số thống kê. Với chương trình phá thai an toàn, sẽ không còn xuất hiện những nguy hiểm cấp tính sau khi mổ, nhưng vẫn có những hệ lụy tiềm ẩn sau khi mang thai lại. Người phụ nữ đã từng phá thai dễ bị hiếm muộn, hoặc khi mang thai bị các bệnh rất khó chữa. Thực tế, chuyện phá thai quá dễ dàng khiến nhiều người không nghĩ đến hạnh phúc sau này. Không nên để lâm vào tình cảnh có thai ngoài ý muốn, rồi phá thai một cách bừa bãi, tràn lan”.
SƠN HẢI