Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh phần mềm (BSA) tổ chức ngày 20-4 tiếp tục cho thấy thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề hết sức quan trọng trong doanh nghiệp khi tham gia vào TPP.
Thanh tra Bộ KH-CN tiêu hủy sản phẩm vi phạm quyền SHTT
Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp ước quốc tế, gần đây ngày 4-2-2016, chúng ta đã ký kết văn kiện trở thành thành viên của TPP. Đây là kết quả của gần 7 năm kiên trì đàm phán và cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới, với các đối tác. TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, các thành viên từng bước sẽ phải thực hiện các cam kết khi gia nhập. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền SHTT, đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp... Theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu thế giới, TPP sẽ tác động mạnh vào nền kinh tế của các nước thành viên, ước tính các nước thành viên sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 8% - 10% vào năm 2030. Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, trong đó thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng.
Tại tọa đàm, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN khẳng định: Ngày nay, quyền SHTT đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ quyền SHTT không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục, không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp, mà nó còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu, trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử (môi trường kỹ thuật số). Quyền SHTT, cụ thể là các sản phẩm mang nhãn hiệu, các sản phẩm phần mềm bản quyền, các sản phẩm được sản xuất dựa trên các bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh…, đang từng giờ, từng phút đóng vai trò là đại sứ của các doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô. Với nhận thức đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT.
Là cơ quan được phân công thực hiện quản lý về sở hữu công nghiệp và là đầu mối thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính, thời gian qua Bộ KH-CN đã nỗ lực xây dựng để trình Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu công nghiệp. “Để triển khai hiệu quả các quy định đó, chúng tôi mong rằng các cơ quan, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi, uy tín của doanh nghiệp”, ông Trần Minh Dũng nhấn mạnh.
|
BÁ TÂN