Sự kiện ĐH FPT đạt chuẩn quốc tế 3 sao theo thang bậc đánh giá của tổ chức QS (tên tiếng Anh đầy đủ là Quacquarelli Symonds) vào trung tuần tháng 11-2012 vừa qua đã khiến báo chí hao tốn nhiều giấy mực.
Trước đó, vào năm 2009, ĐHQG TPHCM từng xếp thứ 57 trên tổng số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới do tổ chức 4icu (For International Colleges and Universities) bình chọn dựa trên số lượng người truy cập vào website của trường. Mới đây nhất, cuối tháng 2-2013, ĐHQG Hà Nội tiếp tục lọt vào tốp 200 ĐH hàng đầu châu Á, xếp hạng 907 thế giới theo công bố của website Webometrics, một trong những tổ chức xếp hạng ĐH nổi tiếng của Tây Ban Nha.
Mọi việc sẽ là tín hiệu vui nếu như không có việc mới đây, ĐHQG Hà Nội tổ chức hội thảo “Xếp hạng và đối sánh trong giáo dục ĐH: Kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng cho Việt Nam”, trong đó tập trung nêu bật hàng loạt khó khăn, bất cập trong việc chạy đua xếp hạng theo chuẩn quốc tế.
Tại buổi hội thảo, GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, thẳng thắn bày tỏ, suốt thời gian dài trong vai trò quản lý, ông luôn bị áp lực làm thế nào để ĐHQG Hà Nội có tên trong các bảng xếp hạng thế giới. Thậm chí, cấp trên còn trực tiếp giao cho ông và các cộng sự nhiệm vụ nghiên cứu, đưa ra phương án giúp ĐHQG Hà Nội đạt vị trí cao trên các hệ thống xếp hạng thế giới.
“Đánh giá ĐH ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, trong đó mức độ đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH từ đơn vị tuyển dụng (bao hàm cả tuyển dụng quốc tế) - một trong những tiêu chí quan trọng của các bảng xếp hạng ĐH thế giới, chúng ta đều chưa đạt được do tỷ lệ hội nhập quốc tế của SV Việt Nam hiện nay còn kém, số lượng người nhảy việc nhiều, chưa tạo được dấu ấn của đơn vị đào tạo. Đó là chưa kể tình trạng đèn nhà ai nấy sáng, mỗi đơn vị đơn thương độc mã trên hành trình tìm đường hội nhập, thiếu sự liên minh, liên kết cần có” - PGS-TS Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội), bày tỏ.
Ngoài ra, cách làm hiện nay của nhiều đơn vị, không riêng gì ĐHQG Hà Nội, là tập trung phát triển một số ngành, nghề trọng điểm, từ đó biến các ngành, nghề này thành đầu tàu kéo theo cả hệ thống chứ chưa đủ nguồn lực đầu tư dàn trải, phát triển cả hệ thống. Cách làm này là con dao hai lưỡi, nếu làm không khéo sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, bên trọng bên khinh khiến người học mất niềm tin vào chất lượng đào tạo của đơn vị.
Trong khi đó, nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ về đánh giá của SV trường ĐH nào nổi tiếng nhất Việt Nam, câu trả lời thường không thống nhất. Trong đó, chất lượng đào tạo giữa các ngành, nghề không đồng đều trong cùng đơn vị, chất lượng khóa đào tạo sau thường thấp hơn các khóa đào tạo trước. Điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh “phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Việc các trường mải mê chạy theo thành tích quốc tế vừa tự tạo ra áp lực không đáng có cho bản thân, vừa khiến bức tranh giáo dục Việt Nam mang nhiều màu sắc khập khiễng.
Nói như PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM, việc chạy đua theo chuẩn này, chuẩn nọ không khéo sẽ trở thành lệch chuẩn. Thay vào đó, các trường nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo được uy tín với người học lẫn các nhà tuyển dụng, danh tiếng khi đó tự khắc sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.
Minh Quân