Sổ tay: Chưa quyết liệt thu hồi

Tại báo cáo mới nhất vừa được Bộ Xây dựng gửi lên Chính phủ, số dự án bất động sản (BĐS) và nhà ở phải tạm dừng theo báo cáo của 19 địa phương mới chỉ có 138 dự án. Riêng Hà Nội chưa có số liệu về các dự án tạm dừng, TPHCM cũng chỉ có 37 dự án tạm dừng. Cũng theo báo cáo này, số lượng dự án tạm dừng chỉ chiếm 3,7% so với tổng số lượng dự án, về diện tích đất của các dự án tạm dừng chỉ chiếm 4,8% tổng diện tích đất của toàn bộ các dự án.

Tại báo cáo mới nhất vừa được Bộ Xây dựng gửi lên Chính phủ, số dự án bất động sản (BĐS) và nhà ở phải tạm dừng theo báo cáo của 19 địa phương mới chỉ có 138 dự án. Riêng Hà Nội chưa có số liệu về các dự án tạm dừng, TPHCM cũng chỉ có 37 dự án tạm dừng. Cũng theo báo cáo này, số lượng dự án tạm dừng chỉ chiếm 3,7% so với tổng số lượng dự án, về diện tích đất của các dự án tạm dừng chỉ chiếm 4,8% tổng diện tích đất của toàn bộ các dự án.

Báo cáo cũng nêu, mặc dù đã có yêu cầu rà soát, báo cáo từ tháng 3-2013, song đến nay, mới có 22 địa phương gửi báo cáo, trong đó phần lớn đều theo số liệu rà soát năm 2012, chưa có số liệu rà soát mới. Mặc dù những con số nói trên mới chỉ là báo cáo kết quả thống kê và rà soát bước đầu của các địa phương, tuy nhiên nó vẫn cho thấy số lượng các dự án tạm dừng của các địa phương quá ít. Nhất là so với con số được đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch 2013 của Bộ Xây dựng được tổ chức hồi đầu năm nay. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần phải thu hồi khoảng 30% - 40% số dự án BĐS hiện có, trong đó tập trung vào số dự án quá chậm hoặc không thể triển khai, qua đó góp phần khắc phục tình trạng dự án tràn lan, siết chặt được nguồn cung ra thị trường, tránh tình trạng dư thừa.

Cũng tại hội nghị này, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm phải mạnh tay trong việc thu hồi các dự án, đặc biệt là các dự án là hệ quả của tình trạng cấp phép tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội, TPHCM. Các dự án phải dừng, tạm dừng sẽ là các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa đạt trên 50%. Ngoài ra, có những dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, thậm chí có thể làm hạ tầng rồi nhưng không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và nhà ở của địa phương, không đảm bảo nguồn lực…Vậy mà, đã nửa năm trôi qua, việc rà soát, thu hồi dự án BĐS hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc rà soát thu hồi các dự án BĐS là việc làm hết sức cần thiết và cần phải làm càng sớm càng tốt để giảm lãng phí các nguồn lực đầu tư và góp phần đưa thị trường BĐS cân bằng trở lại. Ông Hùng cho rằng Bộ Xây dựng phải là cơ quan chủ lực trong việc rà soát các dự án và có vai trò quyết định trong việc thu hồi hay không đối với các dự án. “Nếu để địa phương tự rà soát thì rất khó, kéo dài và dễ thỏa hiệp. Các chủ đầu tư đã mất rất nhiều tiền bạc, công sức để có được dự án nên việc dừng dự án và bị thu hồi cũng là thiệt thòi. Tuy nhiên, đã đến lúc không thể nhân nhượng hơn được vì nếu càng để thì doanh nghiệp càng sa lầy mà nguồn tài nguyên thì càng bị lãng phí, thị trường lại càng ảo” - ông Hùng nhấn mạnh. Đó là chưa kể nguy cơ thừa nhà ở bởi theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị của Hà Nội đến năm 2020 cần phát triển thêm khoảng 60 triệu m² nhà ở, bao gồm cả nhà ở do dân tự xây, trong khi diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư là hơn 82 triệu m². Còn tại TPHCM, cần thêm 65,7 triệu m² trong khi diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư là gần 80 triệu m². Thực tế này đang đòi hỏi Bộ Xây dựng phải đôn đốc các địa phương tích cực hơn nữa việc rà soát các dự án và quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các dự án theo đúng các tiêu chí đã nêu.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục