Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM công bố quyết định thực hiện chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình đào tạo CDIO (gồm 4 năng lực cốt lõi mà kỹ sư cần đạt được gồm: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành) cho tất cả sinh viên từ khóa học 2012 - 2016 chỉ với 150 tín chỉ. Quyết định này là một bước đột phá bởi lẽ đây là trường sư phạm kỹ thuật đầu tiên trên cả nước áp dụng đào tạo theo hướng mô hình này.
Thực tế cho thấy, để giảm số tín chỉ từ 185 xuống còn 150 tín chỉ (giảm 18,92%), trong đó khối kiến thức giáo dục đại cương giảm 34,12%, khối kiến thức giáo dục chuyên ngành giảm 4%, khối kiến thức lý luận chính trị từ 22 đơn vị học trình giảm còn 10 tín chỉ (giảm 54,54%), là một nỗ lực đáng ghi nhận của cơ sở đào tạo này.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trường bắt đầu áp dụng và xây dựng chương trình theo chuẩn CDIO từ năm 2008. Về tổng thể thực hiện tổ chức đào tạo theo tiếp cận CDIO có 3 giai đoạn: thiết kế các chương trình đào tạo tích hợp ở từng ngành; triển khai đào tạo; đánh giá việc thực hiện và thực hiện các hiệu chỉnh cần thiết (tiến hành tự đánh giá và tiến tới kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới).
Sau 4 năm thực hiện với sự nỗ lực của hơn 90% cán bộ quản lý và giảng dạy, trường đã xây dựng được 27 chuẩn đầu ra đến cấp độ 3 cho 21 ngành đào tạo trình độ ĐH, 5 ngành đào tạo CĐ, 1 chuẩn đầu ra cho khối kiến thức sư phạm kỹ thuật. Xây dựng được 53 chương trình đào tạo tích hợp cho các loại hình đào tạo ĐH chính quy, ĐH liên thông, ĐH liên thông từ CĐ nghề, CĐ chính quy. Một khác biệt nữa là việc đưa học phần “Nhập môn ngành đào tạo” vào tất cả các chương trình đào tạo góp phần định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ khi bước trường, trang bị thêm các kỹ năng mềm, phương pháp học tập ĐH.
Dẫu biết rằng đánh giá chất lượng đào tạo là một việc làm khó khăn, đòi hỏi một quá trình lâu dài, nhưng để đảm bảo chất lượng để tạo được niềm tin thật sự là nâng cao chất lượng đào tạo tập thể sư phạm nhà trường thực hiện tốt 2 yếu tố cốt lõi: sự đồng bộ về tư duy và hành động; sự đồng bộ trong triển khai cả từ 3 phía bộ phận quản lý - đội ngũ giảng viên - các sinh viên mà trong đó yêu cầu cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương pháp học tập trên cơ sở chuẩn đầu ra của các học phần là yêu cầu then chốt nhất.
Xét ở tầm vĩ mô, việc áp dụng đào tạo theo hướng CDIO sẽ góp phần vào việc giải bài toán “chất lượng giáo dục đại học” hiện nay. Trước hết, về phía người học (sinh viên), họ sẽ được đào tạo theo một quy trình bài bản và được phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng lẫn thái độ để trở thành nguồn nhân lực chất lượng thật sự mà xã hội đang cần. Về phía người thầy, giảng viên trong các chương trình đào tạo được xây dựng và phát triển theo cách tiếp cận CDIO cũng phải tuân theo các phương pháp giảng dạy tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy sẽ góp phần tạo ra được một đội ngũ giảng viên đúng chuẩn quốc tế, từ đó tăng cường uy tín cho các đơn vị tham gia đào tạo.
Thanh Minh