Nhìn vào những số liệu thống kê mới nhất, có thể thấy chủ trương tránh đầu tư dàn trải tuy đã được đặt ra một số năm qua, song kết quả chưa được là bao. Danh sách “địa phương chi tiêu ngàn tỷ” đang dài ra. Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong 7 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 106,8 ngàn tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch năm và giảm không nhiều (2,4%) so với cùng kỳ năm 2012.
Phân tích kỹ hơn thì thấy, trong số này, số vốn trung ương quản lý đạt 22,9 ngàn tỷ đồng, bằng 57,1% kế hoạch năm và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn địa phương quản lý lại tăng, đạt 83,9 ngàn tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2012. Ở hầu hết các bộ, vốn đầu tư thực hiện đều giảm; trong đó giảm mạnh nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa (Bộ Y tế đạt 410 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch năm và giảm tới 28,6% so với cùng kỳ; Bộ GD-ĐT 339 tỷ đồng, bằng 48,6% và giảm 27,9%; Bộ VH-TT-DL 273 tỷ đồng, bằng 54,5% và giảm 16%...).
Ngược lại, vốn đầu tư thực hiện của một số địa phương lại có xu hướng gia tăng đáng kể. Đơn cử, Hà Nội đạt 12.227 tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch năm và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm 2012; TPHCM 8.742 tỷ đồng, bằng 51% và tăng 6,2%; Quảng Ninh 2.399 tỷ đồng, bằng 61,6% và tăng 5,9%; Vĩnh Phúc 2.311 tỷ đồng, bằng 77,1% và tăng 21,4%... Ở nhóm thấp hơn, nhưng cũng thuộc danh sách các địa phương chi tiêu ngàn tỷ còn có Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An; Kiên Giang; Bình Dương... (riêng Đà Nẵng chỉ đạt 2.221 tỷ đồng, bằng 41,6% và giảm 51,3%).
Ở thời điểm hiện tại - mà nhiều nhà quan sát gọi là “điểm ngập ngừng” của chính sách, do đã có nhiều lời kêu gọi bơm thêm đầu tư công để “cứu tăng trưởng” và chiếc van tiền tệ đã có phần được nới lỏng, có vẻ như công cuộc kiểm soát đầu tư công càng khó lòng tiến triển đúng như dự kiến.
Trong một động thái khác, theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhiệm vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng rất ì ạch, mà nguyên nhân sâu xa là những người đứng đầu doanh nghiệp không muốn làm gì mạnh tay để tránh nguy cơ phải giải trình với chủ sở hữu và cơ quan chức năng, thậm chí có thể mất ghế.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận xét, nhiều tập đoàn, tổng công ty có đề án rồi nhưng không triển khai quyết liệt. Nhưng nếu doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng rủi ro thì lợi nhuận sẽ giảm và nhà điều hành buộc phải giải trình. Thêm vào đó, nếu điều hành không hiệu quả thì sau 2 năm người đứng đầu doanh nghiệp phải rời khỏi vị trí... Bên cạnh đó là quan niệm về bảo toàn và phát triển vốn không hợp lý đã khiến nhiều doanh nghiệp có tâm lý “thà ốm dở còn hơn mất hẳn”...
Xem ra công tác quản lý, kiểm soát nguồn tiền ngân sách, dù là đầu tư vào các công trình, dịch vụ công ích hay vào các DNNN, cũng vẫn còn rất gian nan!
ANH THƯ