Sổ tay: Văn hóa ứng xử

Trong hai đêm diễn đầu tiên của gala Giai điệu mùa thu 2011 đã xảy ra một số vấn đề liên quan đến việc tác nghiệp của cánh phóng viên. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như có một quy định cụ thể được đặt ra và những khán giả yêu mến nghệ thuật âm nhạc hàn lâm không quá nóng nảy!

Chẳng là, khi gala Giai điệu mùa thu 2011 công diễn, ngay từ đêm khai mạc, cánh phóng viên văn hóa văn nghệ và các nhiếp ảnh gia đã rất hồ hởi đến xem, tác nghiệp với thiện chí cố gắng thông tin, quảng bá đến độc giả những cái hay, cái đẹp từ các đêm diễn của Giai điệu mùa thu. Trong khi chương trình đang diễn ra, một số tay máy say nghề đã bấm chụp ảnh liên tục để nhằm cố gắng bắt được những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ sĩ trên sân khấu trình diễn. Vậy là, trong đêm diễn đầu tiên, khi một bản giao hưởng vừa kết thúc, một khán giả ngồi ở hàng ghế đầu đã đứng phắt dậy, tay chỉ vào mặt những người cầm máy ảnh quát lớn...

Có lẽ, nếu ý tứ hơn một chút, một vài tay máy sẽ chỉ tranh thủ chụp ảnh khi âm nhạc đã rền cả khán phòng Nhà hát thành phố, lúc đó, tiếng bấm máy “tạch, tạch” sẽ ít ảnh hưởng đến khán giả hơn. Đến đêm thứ hai, khi phần một của chương trình vừa khép màn, một khán giả người nước ngoài ngồi ở hàng ghế tầng lầu của nhà hát cũng bức xúc la lối lớn tiếng trách các tay máy cứ chụp ảnh liên tục trong chương trình. Sau đó, khi chương trình bước vào phần hai, ban tổ chức mới thông báo không cho chụp hình nữa.

Nhiếp ảnh gia L.V.P.H. chia sẻ: “Mỗi lần nhấc máy lên chụp ảnh là tôi hồi hộp, vì sợ ảnh hưởng đến khán giả. Khi muốn bấm máy, tôi cũng phải chờ thời điểm âm nhạc lên cao trào với cả dàn kèn, trống cùng hòa tấu mới dám thực hiện tác phẩm của mình”. Nhiều phóng viên, tay máy cũng hiểu và cố gắng giữ ý trong việc tác nghiệp ở các chương trình kiểu như thế này.

Một phóng viên ảnh bày tỏ nỗi niềm: “Ban tổ chức mong muốn báo chí tuyên truyền cho chương trình, khi phóng viên tác nghiệp, khán giả cứ la lối không cho chụp ảnh thì làm sao có thể giúp thông tin, quảng bá chương trình được? Lẽ ra ban tổ chức nên thông báo ngay từ khi chương trình mới diễn ra là có cho phóng viên và các nhiếp ảnh gia chụp ảnh hay không, để mọi người biết, tránh tình trạng khán giả nóng nảy, quát nạt lớn tiếng như thế!”.

Mỗi bên đều có một lý lẽ riêng, nhưng chung quy, nhìn ở góc độ giao tiếp ứng xử mới thấy, trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, khán giả đến xem ắt hẳn phải là người có trình độ, như thế thì cách ứng xử trong giao tiếp cũng phải có văn hóa, luôn cần sự kiềm chế, chừng mực.

Những bực bội, bức xúc nhất thời của khán giả có thể được dàn xếp trong ôn hòa nếu khán giả biết bày tỏ tâm tư với ban tổ chức chương trình. Đồng thời, ban tổ chức chương trình cần thông tin rõ ràng về quy định chụp ảnh khi nghệ sĩ đang biểu diễn để tránh những va chạm trong lời ăn tiếng nói giữa những người làm nghề đang tác nghiệp và khán giả đến xem.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục