Sôi động, hào hứng với tiết học liên môn Sử - Địa

Sôi động, hào hứng với tiết học liên môn Sử - Địa

Sáng 8-11, học sinh của hai lớp 11A4 và 11N (tiếng Nhật) của Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) đã tham gia tiết học liên môn Sử - Địa với chủ đề “Nhật Bản - sự trỗi dậy thần kỳ”.

Tiết học liên môn tích hợp kiến thức này do thầy Nguyễn Viết Đăng Du (dạy môn Lịch sử) và thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê (dạy môn Địa lý) hướng dẫn. Được thiết kế theo hình thức tranh tài, các nội dung thi về kiến thức, trình diễn văn hóa, trang phục truyền thống Nhật Bản, phần thi đối kháng, làm việc nhóm thông qua trang facebook, thuyết trình…, hai đội của hai lớp 11 đã thể hiện hết tài năng, sở trường của mình. Không những thế, tiết học còn trở nên sinh động, hấp dẫn thông qua clip tư liệu về “sự trỗi dậy thần kỳ của Nhật Bản” sau thế chiến lần thứ hai.

Màn thi trình diễn về múa truyền thống của Nhật Bản

Không chỉ nắm vững kiến thức của chủ đề tích hợp liên môn Sử - Địa về vị trí địa lý tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, những thành tựu nổi bật về khoa học - kỹ thuật… của Nhật Bản, học sinh còn mở rộng hiểu biết về văn hóa, truyền thống của đất nước hoa anh đào.

Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, hiểu rõ nét đẹp về văn hóa, lịch sử của Nhật Bản, học sinh sẽ hiểu được bài học về sự bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của họ.

Tương tự, thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê cũng lý giải rằng việc chọn chủ đề này là do Nhật Bản là một cường quốc về phát triển kinh tế ở châu Á, có nét gần gũi với Việt Nam. Trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, bị tàn phá nặng nề nhưng nước Nhật vẫn vươn lên phát triển với tốc độ thần kỳ. Từ bài học này, hai thầy muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ tinh thần “thép và lửa” của Nhật Bản để các em học hỏi, không ngừng vươn lên, phấn đấu trong học tập, chinh phục đỉnh cao kiến thức để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Với cách học sáng tạo này, học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện và sâu hơn về kiến thức địa lý, lịch sử, văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh đó, các em được rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, lập kế hoạch, tìm hiểu kiến thức từ internet, tinh thần tự giác...

Nhận xét về tiết học, em Đỗ Khánh Hà, học sinh lớp 11N, cho biết: “Chúng em rất thích tiết học liên môn này vì nó sinh động, hấp dẫn và giúp người học hiểu sâu, nhớ kỹ về đất nước, con người Nhật Bản”.

Tương tự, học sinh Nguyễn Lê Phương Quỳnh, lớp 11A4, cũng tự tin nói: “Dù hơi tốn thời gian làm clip, thu thập tư liệu, làm mô hình... nhưng nhóm em cảm thấy vui nhộn, hào hứng và không có gì bị áp lực. Cách học sáng tạo với chủ đề liên môn này khiến giờ học Sử - Địa không nhàm chán mà vô cùng sinh động, lý thú, bổ ích”.

Để chuẩn bị cho tiết dạy - học sáng tạo được chọn vào chung kết và kết hợp với giờ thao giảng này, học sinh của hai lớp 11 đã mất 1,5 tháng để tìm tòi kiến thức, chuẩn bị đạo cụ, thuyết trình và tập luyện các bài tập trình diễn với nhau.

Đây là 1 trong 9 tiết học của tuần lễ diễn ra các tiết dạy và học “đổi mới, sáng tạo”, do Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.


KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục