Hơn 5 tháng nữa năm học mới mới bắt đầu nhưng ngay từ bây giờ, phụ huynh có con trong độ tuổi chuẩn bị vào học mẫu giáo đã chạy đôn chạy đáo lo tìm chỗ học cho con. Người có hộ khẩu ở TPHCM còn đỡ, những người thuộc diện tạm trú KT3 hoặc công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp may ra… trúng số độc đắc mới dám mong tìm được chỗ học cho con.
Anh Minh Lân, công nhân một xí nghiệp may ở khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình) cho biết: “Mặc dù hai vợ chồng đều có giấy tạm trú KT3 nhưng cầm hồ sơ đến hơn 10 trường mầm non trên địa bàn quận, nơi nào cũng lạnh lùng từ chối. Chỉ có một trường đồng ý nhận hồ sơ nhưng bảo về nhà chờ đến khoảng giữa tháng 8 mới trả lời. Lúc đó con mình được nhận thì không nói làm gì, chẳng may bị từ chối hai vợ chồng cũng chưa biết tính làm sao”.
Nếu cho con học ở trường tư, nỗi lo cũng không nhỏ. Trong vai phụ huynh tìm chỗ học cho con theo diện KT3, chúng tôi đã tìm đến nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Bình Thạnh. Mặc dù không đòi hộ khẩu TP như các trường công lập nhưng những nơi có học phí tương đối “mềm” như mầm non Sơn Ca, mầm non Tuổi Thơ (phường 11), mầm non Bé Ngoan (phường 24), mầm non Hoa Phượng (phường 26), cơ sở vật chất đều khá khiêm tốn với kiến trúc nhà ở nhiều tầng, sân chơi, chỗ học, nơi ăn và ngủ cho trẻ đều chật hẹp.
Trái lại, những nơi có sân trường thoáng mát, rộng rãi, phòng học tách biệt với chỗ ăn, ngủ lại có mức học phí khá cao, từ 1,8 – 2,5 triệu đồng/trẻ/tháng (học phí trường công chỉ ở mức 700.000 – 900.000 đồng/trẻ/tháng).
Đó là chưa kể một số nơi còn thu thêm tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền giữ trẻ ngày thứ bảy, tiền học thêm một số môn năng khiếu như đàn, nhạc, họa… khiến tổng học phí trung bình của một trẻ vượt ngưỡng 3 triệu đồng/tháng, khoản tiền không nhỏ so với đồng lương công chức.
Trường công hết chỗ, học phí trường tư không kham nổi, nhiều gia đình đành bấm bụng gởi con vào các nhóm trẻ gia đình, dù biết chất lượng chăm sóc không đảm bảo.
THU TÂM