(SGGP).- Chiều 14-12, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, sau khi có thông tin về một tàu đánh cá của Hàn Quốc chở 42 ngư dân gặp nạn tại vùng biển Nam cực, trong đó có 11 ngư dân người Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp sớm xác định danh tính của những lao động mà các công ty đã đưa họ sang Hàn Quốc. Theo đó, đã xác minh được 11 lao động kể trên do 5 công ty đưa đi xuất khẩu lao động là: Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD (5 người), Công ty cổ phần TRAENCO (1 người), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1- CIENCO 1 (2 người), Tổng công ty Đường sông miền Nam SOWATCO (1 người) và Công ty cổ phần XKLĐ thương mại và du lịch TTLC (2 người).
Hôm qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn yêu cầu 5 công ty trên khẩn trương triển khai việc giúp đỡ các ngư dân đang gặp nạn cũng như hỗ trợ cho thân nhân các lao động bị tử vong hoặc mất tích. Theo đó, yêu cầu các công ty cử cán bộ có thẩm quyền sang Hàn Quốc để phối hợp với các bên có liên quan như chủ tàu, công ty đại lý Hàn Quốc kiểm tra, xác minh danh tính của các thủy thủ bị tử nạn, mất tích và danh tính những thuyền viên được cứu sống. Đồng thời liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand để báo cáo, tìm hiểu thêm thông tin và cung cấp những giấy tờ cần thiết để các đại sứ quán cấp giấy tờ đi lại cho người lao động (nếu đã bị mất) và đề nghị đại sứ quán hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ việc. Thông báo tình hình vụ việc cho gia đình người lao động và địa phương nơi người lao động cư trú, đồng thời có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ động viên gia đình người lao động vượt qua những mất mát khó khăn hiện tại.
Đối với những lao động bị nạn được cứu sống, các công ty cần phối hợp và yêu cầu chủ tàu đưa người lao động vào bờ để điều trị, phục hồi sức khỏe, nếu người lao động có nguyện vọng về nước sau khi ra viện, yêu cầu các công ty mua vé máy bay, làm thủ tục đưa người lao động về nước an toàn; thanh lý hợp đồng với người lao động sau khi về nước theo quy định của pháp luật.
Riêng những lao động bị tử nạn hoặc mất tích, các công ty cần thông báo vụ việc và chia buồn với gia đình người lao động, đề nghị gia đình có giấy ủy quyền cho công ty hoặc chủ tàu để phối hợp với các bên liên quan thay mặt gia đình người lao động làm các thủ tục hậu sự cho người lao động. Tổ chức tang lễ, đưa tro cốt hoặc thi hài và tài sản của người quá cố về nước phù hợp với nguyện vọng của gia đình, pháp luật và phong tục tập quán của 2 nước. Phối hợp với đối tác, chủ tàu thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp… và các chế độ phúc lợi khác cho người lao động, đồng thời hoàn tất các thủ tục về các chế độ bảo hiểm, thủ tục đề nghị hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định hiện hành.
V. PHÚC
Thấp thỏm quê nhà
Chiều 14-12, vượt hơn 50km, chúng tôi có mặt tại các xã Kỳ Phú, Kỳ Ninh, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của những nạn nhân xấu số trong vụ tàu đánh cá số 1 Insung Hàn Quốc chìm ở Nam cực. Suốt mấy ngày qua, người thân của các nạn nhân khi biết hung tin vụ chìm tàu qua báo, đài không ai ăn uống gì cả, đêm lại không thể nào chợp mắt.
Bà Đặng Thị Lân, 75 tuổi, ở xóm Phú Thượng, xã Kỳ Khang, là mẹ của nạn nhân Nguyễn Tương (Nguyễn Tương được xác định là người bị tử nạn đầu tiên trong số 11 thủy thủ của Việt Nam) trên khuôn mặt bất thần đã khóc cạn nước mắt, tuyệt vọng: “Thằng Tương làm sao rồi bây ơi…”. Rồi bà lại lăn ra giữa nền sân trước nhà gào khóc thảm thiết: “Tương ơi! Sao lại bỏ mẹ mà đi, mẹ đã dựng nhà rồi, chỉ chờ con về là mẹ cưới vợ cho con nữa… Con đi, mẹ biết phải sống làm sao đây?”.
Cùng ngày, nhận được thông tin anh Lê Văn Rực mất tích, chị Chu Thị Hà (33 tuổi, vợ anh Rực) khóc lóc, không muốn gặp ai. Nhà của vợ chồng Rực ở thôn Đại Đồng “cửa đóng then cài”. Căn nhà vốn đơn sơ này lại càng hiu quạnh. Ông Hoàng Công Tuần, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nói: “10 giờ sáng nay (tức 14-12), tôi mới biết thông tin. Thấy người ở bên Hàn Quốc điện về nói là Rực đã mất tích. Vợ chồng thủy thủ này sinh được một trai, một gái. Anh Rực “xuất ngoại” được gần 4 tháng, người thân chưa nhận lương thì gặp sự cố”. Hơn 15 năm qua, đã có 50 người dân của xã Cương Gián chết và hơn 30 người bị thương do tai nạn lao động khi đi XKLĐ ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, số người đi xuất khẩu sang Hàn Quốc đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu bám vào nông nghiệp và trước lúc đi gia đình phải cắm bìa đất, cầm cố tài sản để vay vốn ngân hàng, hoặc vay mượn anh em, họ hàng, làng xóm một khoản tiền rất lớn. Hy vọng sau 2 - 5 năm lao động bên đó sẽ gửi tiền về trả hết nợ. Vụ tai nạn xảy ra không chỉ gia đình mất đi người thân ruột thịt mà khoản nợ khổng lồ biết đến khi nào họ mới trả hết được…
Ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Hiện số người lao động ở Kỳ Anh và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị nạn ở Hàn Quốc đi theo diện xuất khẩu hay hình thức nào sở chưa nắm được. Chờ khi có thông tin từ Bộ LĐTB-XH, sở sẽ tiến hành điều tra, xác minh rõ những người lao động này thuộc đối tượng nào, nếu là lao động xuất khẩu sẽ có quỹ rủi ro của xuất khẩu lao động do Cục Quản lý lao động nước ngoài quản lý hỗ trợ. Nếu thuộc diện đi lao động theo hình thức không phải xuất khẩu, như qua doanh nghiệp, công ty, lao động tự do… thì không thuộc bản chất của xuất khẩu, không thuộc đối tượng xuất khẩu của ngành lao động nên sẽ do các đơn vị đó hỗ trợ. Về phía tỉnh và ngành LĐTB-XH, sau khi xác định rõ đối tượng mới có chính sách cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo kịp thời đến gia đình các nạn nhân này”.
Nhóm PV
Thông tin liên quan:
>> Đã xác định danh tính 11 thuyền viên Việt Nam trên tàu cá bị đắm ở Nam Cực