Suốt hơn 2 năm nay, từ khi dự án đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất được khởi công, cả trăm hộ dân ở chung cư 409 và khu vực lân cận (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) phải sống trong cảnh ao tù nước đọng. Chỉ cần một cơn mưa không lớn cũng đủ làm nước dâng lên ngập lối đi, tràn vào nhà. Do hệ thống thoát nước bị tắc nên sau cả tuần nước mới rút hết.
Vào thời điểm này, nước đọng quanh chung cư 409 đã chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối. Mỗi khi có xe chạy qua, nước đen tràn vào các căn hộ ở tầng trệt. Ngày mưa đã khốn khổ, ngày nắng càng khổ hơn. Khi nước cạn, lớp bùn đen trở thành bụi đen bay mù mịt, lên tận lầu 4-5 của khu chung cư. Không riêng trẻ em mà người lớn cũng thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp, đỏ mắt…
Được biết, nguyên nhân dẫn đến ngập nước ở khu vực chung cư 409 là do đơn vị thi công dự án đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất làm tắc hệ thống thoát nước trong khu vực. Tiếp thu phản ánh, khiếu nại của cư dân, Công ty Thoát nước đô thị TPHCM đã tổ chức nạo vét hệ thống cống, tuy nhiên lớp bùn đen vẫn không được thu dọn nên càng ngày càng dày thêm. Các cư dân ở đây đành chịu sống chung với ô nhiễm, chờ ngày đơn vị thi công làm xong tuyến đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất, đấu nối lại hệ thống thoát nước.
Không riêng cư dân chung cư 409, trên địa bàn quận Bình Thạnh đang có nhiều khu dân cư phải sống chung với ô nhiễm. Bình Thạnh có nhiều kênh rạch như Xuyên Tâm, Cầu Sơn, Văn Thánh, thế nhưng trong những năm qua cùng với việc địa phương xây cống ngăn triều, nhiều người dân cũng tự tiện đổ đất san lấp để lấn kênh rạch, biến hệ thống kênh rạch thành ao tù. Nước triều không còn vào ra thường xuyên, trong khi toàn bộ nước thải trong khu dân cư vẫn trực tiếp xả xuống kênh rạch gây ô nhiễm nặng.
Người dân sống ở cầu Băng Ky cho biết, rạch Xuyên Tâm không những hôi thối mà còn là nơi phát sinh muỗi dữ dội. Ngành y tế đã thả cá bảy màu để diệt lăng quăng nhưng môi trường nước quá ô nhiễm nên cá không sống nổi. Vì vậy, dù thả cá diệt lăng quăng mà muỗi vẫn bùng phát.
Để cải thiện môi trường sống của hàng ngàn cư dân hai bên rạch Xuyên Tâm, năm 2002 UBND TPHCM đã phê duyệt dự án cải tạo rạch này. Theo dự án, trên 6km rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét, làm sạch để thông dòng chảy, cải thiện năng lực thoát nước và cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc hai bên rạch.
Thế nhưng, do gặp một số trục trặc, đã 10 năm trôi qua, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn chưa được đầu tư thực hiện. Để giảm ô nhiễm cho khu dân cư, hàng năm chính quyền địa phương tổ chức nạo vét nhỏ, dọn bèo, phát quang cỏ. Tuy nhiên, cố gắng của chính quyền địa phương không thể mang lại hiệu quả căn cơ, nước vẫn đen đặc và mùi hôi càng nặng hơn.
Người dân ở đây chỉ biết nâng cao nền nhà, lắp đặt cửa lưới chắn muỗi nhưng cũng chỉ hạn chế nước bẩn và muỗi tràn vào nhà chứ không sao cải thiện được môi trường sống. Không thể để kéo dài tình trạng môi trường sống của cư dân bị ô nhiễm nặng nề, biến thành ổ dịch bệnh, thế nhưng để giải quyết tình trạng ao tù nước đọng, cải tạo kênh rạch thông dòng, trong sạch là việc không dễ dàng.
Thực tế cho thấy không thể chỉ riêng cư dân hay chính quyền địa phương tự ý thức và nỗ lực giữ gìn môi trường mà đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ việc thông dòng và chống ngập cho toàn khu vực.
| |
Trần Yên