“Từ năm 2003 đến nay, nồng độ chất gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố vẫn duy trì mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép”, đó là kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM công bố. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân TPHCM mắc bệnh về đường hô hấp liên tục tăng nhanh trong những năm qua?
Công nghệ lạc hậu
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường cho biết, kết quả đo đạc nồng độ các chất như CO, SO, NO2, bụi… tại 9 trạm quan trắc không khí tự động, 8 trạm bán tự động đều luôn vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện trạng này là do nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt ngày càng cao và mật độ đầu tư xây dựng công trình ngày càng nhiều tại TPHCM. Duy chỉ có nồng độ chất chì, benzen đã giảm đáng kể do thành phần xăng dầu được cải thiện nhờ Nhà nước cấm lưu hành xăng pha chì.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho biết thêm, khí thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp, giao thông và bụi phát sinh từ hoạt động xây dựng là hai yếu tố đáng lo ngại nhất. Hiện TPHCM có khoảng gần 4,7 triệu phương tiện đang hoạt động. Trong đó, có gần 500.000 xe ô tô và gần 4,2 triệu xe gắn máy. Số lượng phương tiện giao thông tăng 10%/năm.
Còn trong hoạt động sản xuất, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cũng khẳng định, chỉ 20% doanh nghiệp có hệ thống xử lý khí thải. Riêng tại TPHCM, trong số 27 doanh nghiệp bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường vào cuối năm 2009, có đến hơn 1/2 doanh nghiệp được liệt vào hành vi xả khí thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nồng độ khí thải vượt tiêu chuẩn từ 2 đến 5 lần với lưu lượng nhỏ hơn 5.000m³/ngày.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhấn mạnh, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu tại nhiều doanh nghiệp đã và đang khiến lượng khí thải ở thành phố thêm ô nhiễm. Kết quả khảo sát hơn 800 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ 1% doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến. Số còn lại công nghệ sản xuất đạt trình độ trung bình và lạc hậu. Không ít dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp đã lạc hậu hơn so với thế giới khoảng 5 – 6 thế hệ. Chưa kể, trong 5 năm gần đây, mật độ xây dựng trên địa bàn thành phố diễn biến rất sôi động. Các công trình xây dựng liên tục mọc lên. Dù các công trình đều được phê duyệt đánh giá tác động môi trường trước khi cho phép xây dựng (tức các doanh nghiệp có cam kết xử lý tốt khâu bụi phát sinh) nhưng gần như hơn 90% công trình đều vi phạm tiêu chuẩn về bụi thải. Các xe vận chuyển đất đá, xà bần từ công trình cũng không được kiểm soát chặt, gây nên tình trạng phát tán bụi dọc lộ trình vận chuyển.
Khó kiểm soát
Dù ô nhiễm không khí liên tục ở mức độ cao trong nhiều năm qua nhưng mọi biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí đều chưa đạt hiệu quả. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 8,4% diện tích xây dựng đô thị. Phần lớn tuyến đường đều hẹp, dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp do không đủ số làn xe cần thiết (chỉ khoảng 16% số đường có lòng đường rộng 10m để tổ chức vận chuyển khách bằng xe buýt được thuận lợi). Mạng lưới giao thông thành phố trong những năm qua được đầu tư, nâng cấp nhanh nhưng vẫn còn hạn chế (chiều dài đường chỉ tăng 3,66%/năm và tập trung chủ yếu ở các quận huyện mới). Nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông không đảm bảo nhu cầu phát triển, công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn dẫn đến các công trình giao thông đều chậm.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn kiểm soát khí thải. Theo đó, phương tiện tham gia giao thông phải đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 2. Nhưng trên thực tế, việc kiểm tra khí thải này chỉ có thể áp dụng với phương tiện mua mới. Còn những phương tiện đã và đang lưu thông từ trước đến nay rất khó kiểm soát.
Kết quả là vòng luẩn quẩn: tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu dẫn đến tăng phát thải khí ô nhiễm. Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, trung bình mỗi năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu trên địa bàn thành phố tăng từ 1 – 2%/năm.
Riêng ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí một thành viên TPHCM cho biết, sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên toàn hệ thống của Saigon Petro tại TPHCM từ năm 2009 đến nay đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Và xu hướng này sẽ còn tăng nhanh trong tương lai. Vậy khó để nói rằng khí thải tại TPHCM sẽ giảm mức ô nhiễm.
Bệnh vì ô nhiễm không khí
Sống chung với bầu không khí ô nhiễm nên chẳng có gì ngạc nhiên khi số lượng người mắc bệnh về đường hô hấp đang ngày một tăng, nhất là trẻ em. Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TPHCM, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị nhiễm trùng về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Thậm chí, có khi một ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 4.000 trẻ nhập viện. Việc số lượng bệnh nhân nhập viện trong thời gian này có chiều hướng tăng mạnh cũng nằm trong quy luật bởi đây là thời điểm giao mùa, rất thuận tiện cho các loại vi khuẩn phát triển. Riêng vấn đề ô nhiễm không khí cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh hô hấp ở trẻ.
PGS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên khẳng định, so sánh số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ năm 1996 đến nay cho thấy, nhiễm khuẩn ở đường hô hấp tăng từ gần 2.800 lên gần 3.800 trường hợp; bệnh suyễn từ hơn 3.000 tăng lên trên 11.000 trường hợp; bệnh viêm tai giữa từ 441 tăng lên gần 2.000 trường hợp... Các quận, huyện vùng ven như Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn, 8, 11... là những địa bàn có tỷ lệ bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cao (trên mức 6%) trong tổng số các bệnh đường hô hấp ở trẻ em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ô nhiễm không khí gây tác hại lớn đến sức khỏe cộng đồng ở mọi lứa tuổi. Đáng tiếc, cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. TPHCM cũng đã thành lập ban chỉ đạo về vấn đề ô nhiễm không khí nhưng cho đến nay hoạt động ban chỉ đạo này chưa thực sự hiệu quả.
HẠ LAN