Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về một dự án sản xuất bột giấy lớn nhất Việt Nam có nên dừng lại vì “Cấp phép dự án nhà máy giấy “né” vấn đề môi trường?”. Ý kiến này bắt nguồn từ 3 lý do mà Cục Lâm nghiệp (LN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dựa vào để báo cáo Bộ NN-PTNT, trong công văn 1311/CV-SDR, ngày 6-9-2007, đề nghị “Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại các điều kiện về nguyên liệu, về ô nhiễm môi trường từ Nhà máy giấy và bột giấy lớn nhất nước, vừa được khởi công đầu tháng 8 tại KCN Sông Hậu (Hậu Giang)”.
3 lý do Cục LN nêu trong báo cáo gồm: Địa điểm không có trong quy hoạch, Sông Hậu sẽ phải gánh chịu hàng nghìn tấn xút/năm, Việt Nam là điểm tiếp nhận phế thải của các nước trong khu vực vì 80% nguyên liệu của nhà máy giấy là giấy loại.
Trong “Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 – tầm nhìn 2020”, điều chỉnh dự báo sản xuất giấy năm 2010 đạt 1.380.000 tấn/năm, năm 2015 đạt 2.250.000 tấn/năm. Nhưng dự báo mới nhất của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (www.vppa.vn) công bố ngày 25-8-2007, thì dự kiến năm nay (2007) sản xuất giấy sẽ đạt 1.130.000 tấn, năm 2010 dự kiến đạt 2.415.000 tấn và năm 2015 đạt 5 triệu tấn, gấp 2 lần so với bản quy hoạch điều chỉnh.
Ngành giấy đang mất cân đối về nguyên liệu bột, cần khuyến khích đầu tư, nên nếu không được nêu đích danh cũng không có nghĩa không được xây dựng phát triển. Trên thế giới không hiếm các nước không có rừng, nhưng có ngành sản xuất bột giấy phát triển như Nhật Bản, mua dăm mảnh từ khắp nơi trên thế giới về để sản xuất ra bột và xuất khẩu.
Ngày nay, đừng yêu cầu sản xuất phải gắn với vùng nguyên liệu (tự duy của nền kinh tế tự cấp), đừng hỏi người sản xuất lấy nguyên liệu ở đâu, bán sản phẩm ở đâu, mà cương quyết không cho phép sản xuất kinh doanh nếu gây tổn hại đến môi trường, đến sức khỏe của dân và không hiệu quả.
Sông Hậu có phải gánh chịu hàng nghìn tấn xút/năm không? Người ta chỉ dùng xút để nấu bột chứ không phải làm chất tẩy. Như vậy con số 28.500 tấn xút mà Cục LN đưa ra, thực tế từ công nghệ này với công suất của dự án là 7.500 tấn. Khi nấu bột xong thì xút này nằm trong các thành phần của dịch đen.
Dịch đen được xử lý để thu hồi lại (gần hết) xút để sử dụng lại, nước thải sau khi thu hồi xút phải được xử lý để các thông số giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Không thể võ đoán nói rằng ngành giấy là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất, môi trường sẽ được bảo vệ nếu tuân thủ Luật Bảo vệ Môi trường.
Lý do thứ ba liên quan đến “phế thải”, là giấy hòm hộp đã qua sử dụng, giấy báo cũ, sách cũ, tạp chí cũ… có thể tái sử dụng. Trung Quốc nhập khẩu hàng năm bằng 50% tổng lượng “phế thải” được xuất khẩu trên toàn thế giới. Việt Nam bắt đầu nhập khẩu giấy loại để tái chế thành giấy (phần lớn để làm bao bì, giấy vệ sinh, khăn giấy…) trên 20 năm nay.
Việt Nam có hẳn Tiêu chuẩn về giấy loại nhập khẩu. Việc nhập khẩu giấy loại được kiểm soát chặt chẽ, nhất là khi Luật Bảo vệ Môi trường ra đời. Gần đây nhất còn có thêm thông tư liên bộ Công Thương – Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành số 002/2007TTLB-BCT-BTNMT ngày 30-8-2007 hướng dẫn thực hiện Điều 43 Luật Bảo vệ Môi trường về tiêu chuẩn, điều kiện, kinh doanh nhập khẩu phế liệu. Với những văn bản pháp quy hiện hành không thể có rác làm hại môi trường lọt được vào Việt Nam.
Như vậy 3 lý do làm căn cứ là chưa chuẩn xác. Đối với dự án nhà máy giấy Hậu Giang, các cấp có thẩm quyền cần đòi hỏi Dự án phải nhanh chóng có báo cáo “Đánh giá tác động môi trường” như Luật định. Khi thẩm định báo cáo, ngoài các cơ quan chức năng, nên mời các hiệp hội ngành nghề và chuyên gia chuyên ngành tham gia ý kiến (tư vấn) để có kết luận chuẩn xác.