Sốt nhà trọ đầu năm học mới

Khi các trường đại học bước vào năm học mới, tại TPHCM tái diễn tình trạng sốt nhà trọ dành cho sinh viên. Các chủ nhà trọ tại các khu dân cư gần trường đại học đua nhau tăng giá, nên các sinh viên khó tìm được nơi ở ưng ý và hợp với túi tiền.
Sốt nhà trọ đầu năm học mới

Khi các trường đại học bước vào năm học mới, tại TPHCM tái diễn tình trạng sốt nhà trọ dành cho sinh viên. Các chủ nhà trọ tại các khu dân cư gần trường đại học đua nhau tăng giá, nên các sinh viên khó tìm được nơi ở ưng ý và hợp với túi tiền.

“Cò” lừa, chủ nhà trọ ép giá

Từ bến xe miền Đông, anh Trương Hoàng Vĩnh (quê Quảng Trị) cùng con  thuê xe ôm về khu vực Đại học Giao thông Vận tải TPHCM để ngày hôm sau con anh làm thủ tục nhập học tại trường này. Qua trò chuyện, biết cha con anh chưa có nơi ở, định đêm nay ở khách sạn rồi để ngày mai đi kiếm nhà trọ quanh trường, người chạy xe ôm liền cho hay có một căn phòng trọ tiện nghi, gần trường, gần trung tâm thành phố, giá thuê trọ chỉ 900.000 đồng/tháng, nếu thuận thì dẫn đi coi phòng. Anh Vĩnh mừng rỡ đồng ý. Người chạy xe ôm liền quay về hướng cầu Điện Biên Phủ, rẽ vào con hẻm 27 Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh), dừng lại ở căn nhà nằm gần cuối hẻm, rồi đòi anh Vĩnh trả 300.000 đồng (100.000 đồng xe ôm, 200.000 đồng môi giới phòng trọ). Anh Vĩnh vui vẻ trả tiền, lên xem phòng, nhưng rồi thật thất vọng khi thấy đó chỉ là một gác lửng rộng khoảng 7m2, tối thui, được cơi nới bằng ván gỗ ép và chỉ có duy nhất cửa ra vào nhỏ xíu, phải lách người mới chui vào được phòng. Chủ nhà lại không cho nấu ăn vì sợ cháy nhà. Thế nên anh Vĩnh mất tiền cò và còn ấm ức vì bị lừa.

Thành viên “ngân hàng nhà trọ” giới thiệu danh sách phòng trọ cho tân sinh viên lựa chọn

Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sài Gòn, Đại học Tài chính Marketing cho biết ở khu vực đường Ngô Tất Tố, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Nguyễn Trãi (quận 5), Phổ Quang, Hồng Hà (quận Tân Bình)… có nhiều chủ nhà trọ đua nhau tăng giá phòng bằng cách ghép thêm người vào ở chung phòng đã cho thuê, ký hợp đồng riêng với người mới vào ở chung phòng, nhưng không giảm giá phòng cho những người đang thuê phòng. Khi sinh viên phản đối thì chủ nhà đòi tăng thêm 300.000 - 400.000 đồng/phòng, nếu không chịu thì trả phòng để họ cho người khác thuê. Anh Phạm Duy Tân (sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết: “Đầu năm học nào chủ nhà trọ cũng nghĩ ra cách để tăng tiền phòng. Năm trước mượn cớ giá cả tăng nên giá thuê trọ cũng tăng theo. Năm nay thì lại ghép thêm người. Họ “chảnh”  lắm vì thừa biết đầu năm học tìm nhà trọ rất khó nên người thuê trọ phải đành chịu chứ chẳng dám trả phòng”.

“Ngân hàng nhà trọ”: Lối ra

Thấu hiểu tình cảnh các sinh viên ở tỉnh về TPHCM học năm thứ nhất thường bị mất tiền môi giới cho “cò” và bị chủ nhà trọ ép giá, Hội Sinh viên của nhiều trường đại học đã thành lập “ngân hàng nhà trọ” nhằm cung cấp địa chỉ thuê trọ hỗ trợ sinh viên trường mình có được nơi ở ưng ý. Là trường không có ký túc xá nên nhu cầu thuê nhà trọ luôn rất cao, từ năm 2010, Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2) đã có sáng kiến thành lập “ngân hàng nhà trọ”. Từ đầu mối nhà trọ của đợt tiếp sức mùa thi, các thành viên trong đội “ngân hàng nhà trọ” tiếp tục giữ liên lạc và vận động chủ nhà trọ không tăng giá, đồng thời tranh thủ lúc rảnh tìm thêm các phòng trọ ở gần trường, đảm bảo an ninh, giá cả phù hợp để giới thiệu cho sinh viên có nhu cầu thuê trọ.

Vừa tìm được nhà trọ ưng ý, Tống Thị Tuyết Trinh (sinh viên Đại học Ngoại thương) khoe: “Em với một chị cùng quê đi tìm phòng cả tuần liền mà không được, vì chỗ nào giá cũng cao, một tháng tiền nhà bằng mấy tạ lúa của ba mẹ ở quê, xót quá em không biết làm sao. Hôm nhập học, biết thông tin từ “ngân hàng nhà trọ”, em có trình bày nguyện vọng nhờ các anh chị giới thiệu, chỉ mất 1 giờ đi xem nhà là em ưng liền, mừng quá”. Trần Thị Ái Vân, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: “Dù lịch học khá dày nhưng tụi em luôn quan tâm động viên, hỗ trợ các sinh viên mới, để các bạn yên tâm nhập học. Hơn nữa, các cô chú chủ nhà trọ tham gia đợt tiếp sức mùa thi đều là những địa chỉ uy tín, tụi em cũng biết rõ về chất lượng phòng ở nên liên tục giữ liên lạc, cập nhật thêm thông tin để giới thiệu cho các bạn sinh viên trong trường”. Thấy ý nghĩa của chương trình “ngân hàng nhà trọ”, các bạn sinh viên trong trường cũng tích cực cung cấp thông tin nhà trọ khu vực mình ở, hoặc các chủ nhà tự gửi thông tin về trường, nên danh sách phòng trọ luôn dồi dào, có cả hình ảnh và giá phòng, rất cụ thể và thiết thực. Cô Dương Thị Kiều (ngụ đường D1, Bình Thạnh) cho biết: “Tôi dư phòng cho thuê là liên hệ liền với Hội Sinh viên của các trường quanh đây, họ giới thiệu người qua là tôi ưng vì dù sao cũng qua một kênh đáng tin cậy, yên tâm hơn so với khách tự do tìm đến thuê trọ”.

Nhận thấy chương trình “ngân hàng nhà trọ” của Trường Đại học Ngoại thương khá thiết thực, nên hàng loạt Hội Sinh viên các trường Đại học Hutech, Đại học Ngân hàng TPHCM, Đại học Kiến trúc TPHCM… cũng thực hiện chương trình này. Hoạt động từ tháng 7-2013, “ngân hàng nhà trọ” của Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Hutech luôn có trên 1.000 chỗ trọ bên ngoài, phòng còn liên kết với ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM để sẵn sàng cung cấp địa chỉ nơi ở uy tín cho sinh viên.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục