Sốt thật hay ảo?

Sau gần 4 năm đóng băng, thị trường bất động sản (BĐS) đã sôi động trở lại. Thông tin từ các nhà môi giới, từ những người quan tâm đến BĐS và từ các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã minh chứng điều đó.

Trong vòng hai tuần qua, lượng khách đến ký hợp đồng giao dịch tại Trung tâm giao dịch BĐS phía Nam của Tổng Công ty phát triển nhà và đô thị (HUD) tại 159 Điện Biên Phủ, Bình Thạnh tăng đột biến. Dự án mà HUD đang bán là khu dân cư Long Thọ- Phước An rộng 223 mẫu, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Những năm trước chủ đầu tư rao bán giá khá mềm, nhiều vị trí có giá dưới 1 triệu đồng/m2, góp vốn nhiều đợt… nhưng giao dịch rất chậm. “Sau tết anh em chúng tôi thấy tình hình có khả quan, hy vọng năm nay sẽ tốt, chứ không ngờ lại nhanh như vậy”, ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Trung tâm giao dịch BĐS phía Nam của HUD hồ hởi cho biết. Không bất ngờ sao được khi trung bình mỗi ngày bán 150 nền nhà, mới 2 tuần nhưng kế hoạch đạt 500 tỷ doanh thu của năm 2007 đã đi 2/3 chặng đường! Nhưng “kỳ lạ” nhất là giá đất đang “nhảy múa” tại TPHCM.

Có thể kể khá nhiều dự án được khách hàng mua nhanh chóng, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán. Đó là khu chung cư 6A, do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư, với trên 132 căn hộ đã được Công ty Nova phân phối và bán hết, cho dù căn hộ nhỏ nhất tròn trèm 100m2, giá bán bét nhất gần 9 triệu đồng/m2. Đất dự án bị săn lùng ráo riết, người mua hỏi dồn, còn người bán thì “ém hàng”, vậy là cứ đua nhau làm giá, có những nền nhà ở quận 7 mặc dù chưa có hạ tầng nhưng giá đã “hét” đến 40 triệu đồng/m2.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho cơn sốt BĐS lần này: sốt thật hay ảo, tại sao nhiều nơi rao bán hoài nhưng không ai mua; tiền đâu lắm thế trong khi cả thiên hạ đổ xô đi mua cổ phiếu…? Tất cả câu trả lời về đều hướng về một đầu mối: cổ phiếu! “Khách hàng của khu dân cư Long Thọ- Phước An có đến 80% là trúng cổ phiếu, những ngày sàn chứng khoán đỏ rực thì họ chạy qua đây”, ông Nguyễn Đức Trung cho biết. “Hầu hết khách hàng là những người trúng cổ phiếu”, ông Nguyễn Xuân Châu giám đốc Công ty môi giới bất động sản Nova cũng tiết lộ. Như vậy có thể hình dung, chiếc cầu nối giữa thị trường chứng khoán và thị trường BĐS đã thiết lập: sau khi thu lợi từ cổ phiếu họ dồn một khoản tiền sang BĐS với nhu cầu đổi nhà tốt hơn, có vị trí tốt hơn, hoặc “đầu cơ” và đương nhiên món hàng mà các vị “khách sộp” này với tới phải là hàng xịn.

Điều này sẽ “giải mã” cho câu hỏi tại sao sốt BĐS, tăng giá lại là ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, kề cận Phú Mỹ Hưng, hoặc ở Nhà Bè- xoay quanh khu vực có dự án quy mô lớn bậc nhất của TP do một doanh nghiệp của Hàn Quốc sắp sửa đầu tư, các dự án có vị trí tốt tại quận 2, đặc biệt là những cao ốc tại trung tâm TP; hay tại thành phố mới Nhơn Trạch- đất vẫn còn khá rẻ… Điều này cũng giải thích tại sao BĐS ở các nơi khác, Thủ Đức, 12, Bình Chánh… lại chậm đến thế!

“Kỳ lạ” lớn nhất khi cơn sốt BĐS nằm ngoài dự đoán của các nhà hoạch định chiến lược. Còn nhớ, trong suốt thời gian dài khi thị trường BĐS đóng băng, Hiệp hội BĐS TP kiến nghị hàng loạt giải pháp, phần thì đề xuất TP giải quyết, phần thì kiến nghị Chính phủ. Đến nay, hầu hết những giải pháp đó vẫn còn là “tờ trình” thì bỗng dưng thị trường đã chuyển biến rõ rệt!? Thị trường BĐS ấm lên là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Nhưng nếu tiếp tục “lệch pha”, ngoài tầm kiểm soát thì sự phân hóa giàu nghèo sẽ tăng tốc, đương nhiên giấc mơ an cư của người nghèo đô thị sẽ càng khó khăn khi các chương trình nhà ở xã hội chuyển động trì trệ!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục