Sự áp đặt?

Dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) do Bộ GD-ĐT soạn thảo, đang trong quá trình chuẩn bị trình Chính phủ ban hành. Trong đó, đáng chú ý là quy định kéo dài thời gian làm việc của người có học hàm phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập trên cả nước.

Tại khoản 4, điều 12 của dự thảo quy định, giảng viên có nhu cầu kéo dài thời gian làm việc phải đăng ký bằng văn bản gửi đến thủ trưởng cơ sở đào tạo. Nếu không có bản đăng ký, quy định kéo dài thời gian làm việc xem như không có hiệu lực thi hành. Như vậy, một giảng viên nếu muốn tiếp tục cống hiến phải chủ động làm thủ tục đăng ký, trong khi việc sử dụng họ lại là nhu cầu của chính cơ sở đào tạo.

Giảng viên lâu năm của một trường ĐH thành viên thuộc ĐHQG TPHCM bày tỏ: “Quy định vô lý ở chỗ nếu giảng viên có nguyện vọng mà nhà trường không có nhu cầu thì bản đăng ký cũng vô nghĩa. Ngược lại, nếu đơn vị tha thiết có nhu cầu mà giảng viên không muốn thì liệu có xảy ra tình trạng cưỡng bức đăng ký? Hơn nữa, vì sao lại ép chủ thể được sử dụng vào thế chủ động, trong khi bên có thẩm quyền chủ động lại bị động ngồi chờ một bản đăng ký?”. Làm như vậy, theo nhiều người là quá nặng về cơ chế xin-cho, đánh mất đi nét đẹp của việc trọng dụng nhân tài và ý nghĩa của tinh thần “tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc. 

Bên cạnh đó, dự thảo lần này cũng khiến nhiều người nhớ đến quy định về dạy thêm, học thêm ban hành trước đó chưa lâu. Trong đó quy định các lớp dạy thêm, học thêm chỉ được xem là hợp pháp khi có giấy đăng ký, bày tỏ nguyện vọng của phụ huynh. Thực tế đã nảy sinh không ít trường hợp giáo viên “gợi ý” cho phụ huynh viết bản đăng ký, hoặc soạn sẵn nội dung đăng ký, phụ huynh chỉ việc ký tên vào để hợp thức hóa việc dạy học. Phụ huynh, trong tình huống này chỉ là những quân cờ “sai đâu, làm đó”. Và các bản đăng ký vô hình trung trở thành một thứ công cụ hành chính không hơn không kém. Vậy nên dư luận có quyền đặt câu hỏi, mục đích của những bản đăng ký trên là gì nếu không phải là kéo dài cơ chế xin-cho nặng tính hình thức, quản không nổi thì áp đặt sự việc theo hướng mà những nhà quản lý có thể tự huyễn hoặc là đã đưa vào khuôn khổ? Dù trên thực tế gần như không có gì thay đổi, nếu không muốn nói là càng tạo cơ sở cho những tiêu cực có đất sinh sôi.

Mới đây, trong hướng dẫn cách chấm môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ quan chủ quản nêu rõ quan điểm không cho điểm đối với những bài văn được cho là có “suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”. Vậy thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực? Phải chăng là lối nghĩ đi ngược lại quan điểm của những người soạn đáp án, những điều mà các em buộc phải làm theo? Đó rõ ràng là những sự áp đặt thiếu công bằng. Trong khi chúng ta đang ra sức cổ vũ cho một nền giáo dục dân chủ, đảm bảo tính công bằng thì dường như đâu đó vẫn còn những quy định đi ngược lại mục tiêu chung...

THANH THU

Tin cùng chuyên mục