Trong tiến trình đô thị hóa, nâng cấp đô thị, ở nhiều nơi, việc sử dụng vật liệu xây dựng hợp lý vẫn chưa được cân nhắc kỹ càng.
Những tai nạn đáng tiếc
Cứ bàn đến việc sử dụng vật liệu trong xây dựng, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM lại ngậm ngùi về sự ra đi của một cô bé mới 17 tuổi - con gái của một người bạn… Hôm đó, do trời mưa, cô bé chạy vội lên gác đóng cửa… Nền nhà lót bằng gạch bóng, trơn trượt…, cô bé ngã, đập đầu xuống đất… và… “Chuyện đau lòng đã không xảy ra nếu như ngôi nhà được lót bằng những vật liệu chống trơn trượt…” - ông Nguyễn Trọng Hòa nói.
Gia đình người viết bài này cũng đã bị một tai nạn đau lòng liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng. Vì muốn nhà đẹp, gia đình đã dùng đá granite lót cầu thang và kết quả là bà nội trong nhà đã bị trượt té, gãy tay và nứt sọ khi bà cụ xuống cầu thang. Sau tai nạn, gia đình không dám cho bà đi lại một mình nữa…
Sử dụng gạch lót vỉa hè hợp lý để tránh trơn trượt, tiết kiệm. Ảnh: Huy Anh
Cũng từ chính câu chuyện của mình, khi được hỏi về việc sử dụng loại đá nào phù hợp với việc bó vỉa hè, lát đường ở nhiều tuyến đường trong nội đô thành phố, trong nhiều nền nhà, sân vườn của người dân..., ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, không nên dùng vật liệu đá. Đá granite và các loại đá tự nhiên khác chỉ đẹp khi được lau chùi thường xuyên, nhưng nó sẽ rất trơn. Còn ngược lại, không lau chùi, xẻ rãnh hoặc xử lý để có độ nhám, thì đá granite trông không khác nhiều so với các vật liệu khác. “Nên dùng các vật liệu khác như đá thường, gạch, hay đơn giản chỉ đổ bê tông để bó vỉa hè. Giá thành của các loại vật liệu này rẻ, tiết kiệm được kinh phí, và quan trọng là phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nên sẽ không quá trơn trượt để gây nguy hiểm cho người dùng”- ông Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, TPHCM đang trong quá trình phát triển, việc đào đường, vỉa hè để sửa chữa, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật diễn ra thường xuyên. ở các khu vực mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã phát triển ổn định, có thể dùng các loại đá đẹp để bó vỉa hè, lát đường, nhưng đá phải được xử lý để chống trơn trượt. Tuy nhiên, việc này cũng nên hạn chế đến mức tối đa vì chỉ tính trong nội thành TPHCM, vẫn còn rất nhiều khu vực cần được cải tạo vỉa hè và duy tu, sửa chữa đường. Hiện nay, với công nghệ tiên tiến, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã có thể sản xuất ra nhiều loại đá nhân tạo đẹp không thua nhiều so với đá tự nhiên, song giá thành lại rẻ hơn nhiều. Sử dụng đá nhân tạo vì vậy vẫn đảm bảo vẻ đẹp cho các tuyến đường, đồng thời giúp thành phố tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, đầu tư thêm cho những khu vực chưa được đầu tư.
Bảo vệ thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, quá trình khai thác đá tự nhiên, con người đã làm thay đổi môi trường xung quanh, phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái đã được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. Các hoạt động khai thác đá thường sinh ra bụi, gây ô nhiễm không khí. Sự phá vỡ cấu trúc của đất đá khi tiến hành khoan nổ sẽ thúc đẩy các quá trình hòa tan, rửa lọc các thành phần chứa trong đất đá… là những tác động hóa học làm thay đổi tính chất vật lý và thành phần hóa học của nguồn nước xung quanh các khu mỏ. Quá trình khai thác đá thường qua các bước: mở cửa mỏ, khai thác và đóng cửa mỏ. Tất cả các công đoạn khai thác đều tác động đến tài nguyên và môi trường đất. Chưa kể, công nghệ khai thác hiện nay, nhiều nơi, nhiều chỗ còn lạc hậu, tác động tiêu cực đến rừng và đất rừng xung quanh vùng mỏ đá. Một số diện tích đất xung quanh các bãi khai thác đá có thể bị sạt lở, xói mòn. Việc đổ bỏ đất đá thải tạo tiền đề cho mưa lũ bồi lấp các sông suối, các thung lũng và đồng ruộng phía chân bãi thải và các khu vực lân cận. Khi có mưa lớn thường gây ra các dòng bùn di chuyển xuống vùng thấp, vùng đất canh tác, gây tác hại tới hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa, vào mùa mưa lũ thường gây ra lũ bùn đá, gây thiệt hại tới môi trường kinh tế và môi trường xã hội.
Quá trình đào xới, vận chuyển đất đá làm địa hình khu khai trường bị hạ thấp, ngược lại, quá trình đổ chất thải rắn làm địa hình bãi thải tăng cao. Những thay đổi này sẽ dẫn đến những biến đổi về điều kiện thủy văn, các yếu tố của dòng chảy trong khu mỏ như: thay đổi khả năng thu, thoát nước, hướng và vận tốc dòng chảy mặt, chế độ thủy văn của các dòng chảy như mực nước, lưu lượng… Sự tích tụ chất thải rắn do tuyển rửa đá trong các lòng hồ, kênh mương tưới tiêu có thể làm thay đổi lưu lượng dòng chảy, dung tích chứa nước, biến đổi chất lượng nguồn nước. Chính vì vậy, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả các loại đá tự nhiên là việc rất quan trọng vừa góp phần bảo vệ tự nhiên vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Làm đẹp không gian sống là ước vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nên lựa chọn giải pháp tiết kiệm, an toàn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ. Bảo vệ tự nhiên, theo nhiều nhà khoa học, là một trong những giải pháp hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
TÂM ĐỨC