Chúng ta đang dạy học sinh làm theo lời Bác Hồ dạy là “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Thế nhưng, cần phải hướng học trò hiểu đúng ranh giới của sự thật thà, trung thực như thế nào? Và để bảo vệ sự trung thực thì học sinh phải thể hiện sự dũng cảm ra sao?
Tôi mới chứng kiến một câu chuyện bị mất đồ xảy ra ở lớp học và cảm thấy bức xúc trước hành vi xấu, thiếu trung thực đang diễn ra ở môi trường học đường. Cháu B. học lớp 11 ở một trường THPT có tên tuổi ở TPHCM bị mất một chiếc iPhone đời mới do bố tặng. Món đồ đắt tiền của em bị bay khỏi cặp táp trong khoảng thời gian ngắn ngủi khoảng vài phút của giờ ra chơi - khi B. đi ra hành lang nói chuyện với bạn cùng lớp. Biết B. bị mất điện thoại xịn, một số bạn trong lớp ngăn cản, không cho thông báo với cô chủ nhiệm và không được làm lớn chuyện. Số đông này tuyên bố: “Mày làm lớn chuyện làm gì? Mày muốn mất điện thoại rồi mất bạn luôn hả? Mày mà nói cô tụi tao không chơi với mày nữa…”.
Lúc đầu, B. cũng phân vân nhưng cuối cùng vẫn chọn cách quyết tìm ra thủ phạm trong lớp đã lấy đồ của mình và báo chuyện với cô chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm chỉ ghi nhận phản ánh đó và hứa sau kỳ thi kiểm tra giữa học kỳ 2 sẽ tiến hành họp lớp. Thấy cô giáo không nhiệt tình giúp mình tìm ra thủ phạm, hơn nữa bị nhóm bạn có ý “tẩy chay”, B. rất buồn và hoang mang vì thái độ bảo vệ cái xấu của họ. Chẳng lẽ chấp nhận “dĩ hòa vi quý”? Chẳng lẽ chấp nhận mất chiếc điện thoại ở ngay môi trường có giáo dục nhất? Nhìn B. bị stress vì trải qua những giây phút buồn chán, phải đấu tranh tư tưởng, phải nhen nhóm lòng dũng cảm và quyết đấu tranh tìm ra thủ phạm, người thân của em cảm thấy lo lắng. Nếu câu chuyện của em không được nhà trường quan tâm tìm ra sự thật thì niềm tin của em sẽ bị giảm sút. Thay vì dạy các em học thuộc lời Bác là thật thà, dũng cảm thì hãy giúp các em hiểu rõ lòng trung thực, sự dũng cảm chính là những đức tính phải rèn luyện từ môi trường học đường. Nếu còn khoác áo học trò mà đã thiếu trung thực, ăn cắp đồ của bạn thì lớn lên các em sẽ trở thành tội phạm với mức độ nghiêm trọng hơn. Đều đáng nói nữa là tâm lý đám đông - nhiều học sinh bị “khuyết” lòng dũng cảm, không dám đối mặt với sự thật, không dám đấu tranh với hành vi xấu thiếu trung thực, bảo vệ bạn bè ở ngay lớp học. Vì sao các em lại chọn sự im lặng, an toàn và trở nên vô cảm như thế?
Khi nghe câu chuyện buồn này, một giảng viên trẻ đã bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội rằng không thể để số đông, thế hệ trẻ ngày nay chọn cách sống an toàn, thiếu dũng khí và không dám đấu tranh với hành vi xấu, bảo vệ sự trung thực lẫn cái tốt xung quanh mình. Nhưng chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để gầy dựng niềm tin vào cái tốt và xóa dần vết “khuyết” về sự trung thực đang có dấu hiệu lan rộng?.
KHÁNH HÀ