Sức ép doanh nghiệp...

Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp TPHCM những tháng qua cho thấy có nhiều dấu hiệu khả quan, song các doanh nghiệp dường như chưa cảm nhận hết những kết quả này và đang lo ngại trước nhiều sức ép mới.
Sức ép doanh nghiệp...

Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp TPHCM những tháng qua cho thấy có nhiều dấu hiệu khả quan, song các doanh nghiệp dường như chưa cảm nhận hết những kết quả này và đang lo ngại trước nhiều sức ép mới.

  • Áp lực từ yêu cầu hội nhập
Sức ép doanh nghiệp... ảnh 1

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty Việt Tiến.

Giám đốc một doanh nghiệp may ở quận 8 nói với chúng tôi, bước qua năm 2006, ngành may có nhiều đơn hàng nhưng lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”. Ông lý giải: khi doanh nghiệp không có đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc chờ lương, đến khi có nhiều đơn hàng thì sốt vó vì thiếu lao động. Số lượng lao động biến động từ doanh nghiệp này tới doanh nghiệp khác rất cao, gây ra tình trạng mất ổn định, làm ảnh hưởng tới kế hoạch và tiến độ giao hàng. Đặc biệt là cao điểm sau tết Nguyên đán.

Một giám đốc khác cho biết, hiện nay, để nhận được đơn hàng từ các khách hàng lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện xã hội do khách hàng đặt ra khá gắt gao.

Chẳng hạn như khách hàng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bố trí chuyền sản xuất hợp lý với ánh sáng, nhiệt độ thích hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân, phải có hệ thống kiểm soát giờ làm việc của công nhân bằng thẻ từ, phải có sổ sách kiểm soát lương bổng, giờ làm thêm, thậm chí còn yêu cầu nhà vệ sinh dành cho người lao động phải sạch sẽ và có khăn giấy, ca uống nước phải của riêng từng người…

Những chi phí trên bị buộc đưa vào hạch toán trong giá thành nên áp lực phải tiết kiệm, tăng năng suất lao động đối với doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, các giám đốc doanh nghiệp đều thống nhất muốn làm ăn lâu dài phải chấp nhận điều kiện này.

  • Áp lực từ các cơ quan quản lý

Theo than phiền nhiều doanh nghiệp, chính cách thức quản lý của một số sở ngành chức năng làm cho doanh nghiệp mệt mỏi. Mới đây, doanh nghiệp may xuất khẩu tại quận 8 nói trên tiếp đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường và họ đòi phạt doanh nghiệp vì thiếu hệ thống xử lý nước thải. Sau đó, đoàn kiểm tra đưa một doanh nghiệp đến khảo sát thiết kế hệ thống xử lý này và còn “cẩn thận” giới thiệu thêm một doanh nghiệp khác thi công!?

Nhiều doanh nghiệp cũng than phiền chuyện có quá nhiều đoàn kiểm tra có quyền xộc vào doanh nghiệp đòi kiểm tra, đòi hỏi đích thân giám đốc doanh nghiệp phải tiếp. Nhiều giám đốc vì phải lo thù tiếp kiểu này mà không còn đủ thì giờ tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tính toán phát triển doanh nghiệp. Có doanh nghiệp kêu ca về việc nhỏ như kiểm tra các thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy: khi doanh nghiệp đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy đã phải thông qua tư vấn của những người có trách nhiệm trước khi quyết định mua dây, đầu van, bơm áp lực, bình bọt…, thế nhưng khi có đoàn kiểm tra khác đến lại đòi phạt và yêu cầu doanh nghiệp phải mua sắm thiết bị khác theo sự giới thiệu của họ mới đảm bảo yêu cầu…

Những chuyện khó chịu này đang làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp, gây áp lực khiến các doanh nghiệp thêm mệt mỏi. Các doanh nghiệp đều cho rằng, chỉ bao giờ các cơ quan chức năng và chính quyền coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý thì mới thực sự đồng hành và giúp doanh nghiệp vươn lên.

VĂN THIÊN LỘC 

 

Tin cùng chuyên mục