Sức lan tỏa của dạy học sáng tạo

Từ ý tưởng, mô hình thiết kế của giáo viên, học trò góp sức làm dự án với vai trò “thợ xây”. Qua trải nghiệm thực tế, cọ xát với cuộc sống, gắn kết học với hành, thầy và trò đã tạo ra nhiều sản phẩm dạy và học sáng tạo, giàu tính nhân văn, cộng đồng.
Sức lan tỏa của dạy học sáng tạo

Từ ý tưởng, mô hình thiết kế của giáo viên, học trò góp sức làm dự án với vai trò “thợ xây”. Qua trải nghiệm thực tế, cọ xát với cuộc sống, gắn kết học với hành, thầy và trò đã tạo ra nhiều sản phẩm dạy và học sáng tạo, giàu tính nhân văn, cộng đồng.

Ánh sáng nhân văn từ những chiếc “đèn ve chai”

Chia sẻ ý tưởng thực hiện dự án “Ánh sáng hạnh phúc”, thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM) cho biết: “Trong chuyến tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở quận 8, tôi thấy có nhiều gia đình nghèo khó, sống chen chúc trong những phòng trọ lụp xụp. Họ phải chắt chiu, tằn tiện mọi thứ kể cả ánh sáng để duy trì cuộc sống, vì một ký điện giá đến 5.000 đồng…”.

Học sinh trực tiếp thi công lắp bóng đèn trên mái nhà của các hộ nghèo ở quận 8

Câu chuyện buồn này thôi thúc thầy Tùng phải làm gì đó giúp người dân nghèo có ánh sáng sạch, rẻ và có thể sử dụng lâu dài. Sau khi tìm hiểu mô hình thành công làm bóng đèn năng lượng mặt trời chỉ sử dụng chai nước và tấm tôn ở nước ngoài, thầy Tùng quyết tâm thực hiện ý tưởng này.

Nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp, ban giám hiệu và học sinh, cuối tháng 9-2016, thầy Tùng cùng với thầy Mai Xuân Long (giáo viên môn Toán) và 45 học sinh của 7 lớp từ lớp 10 đến 12 của trường đã khởi động dự án. Chia thành 5 nhóm chuyên môn như thi công (lắp ráp thực tế), mô hình (chế tạo sản phẩm), điện tử (nghiên cứu đèn Led, pin mặt trời), design (thiết kế poster), truyền thông (quảng cáo, lan tỏa dự án, làm phim), họ hòa chung đam mê sáng tạo.

Dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhưng cứ vào thứ bảy hàng tuần hoặc ngoài giờ học, phòng thí nghiệm vật lý của trường lại trở thành “xưởng cơ khí” thu nhỏ để thầy trò mày mò, hì hục sáng chế, làm đủ thứ việc như nối cầu chì, khoan, cưa tôn, trèo thang thử bóng đèn... Nhiều học sinh bộc bạch rằng nhờ tham gia dự án này các em mới biết rõ hơn về tụ điện, điện thế, cường độ dòng điện... và biết sử dụng máy cưa, hàn mạch điện, khoan.

Do sử dụng nguyên liệu là những chai nhựa bỏ đi đựng đầy 1,5 lít nước và miếng tôn gắn ngang thân để khuếch tán ánh sáng dựa trên hiện tượng khúc xạ nên thầy trò thích gọi cái tên thân quen, bình dị là “đèn ve chai”. Sau lắp thử nghiệm thành công mô hình, thầy trò mới chính thức lắp đặt tại nhà dân nghèo ở quận 8. Khi nhìn thấy thành quả những căn phòng lụp xụp đến các con hẻm tối tăm ở xóm trọ dưới chân cầu Tám Nó ngập tràn ánh sáng từ những chiếc bóng đèn ve chai sử dụng năng lượng mặt trời, thầy trò Trường THPT Ernst Thalmann vỡ òa niềm vui. Được hưởng ánh sáng hạnh phúc miễn phí, người dân nghèo ở đây vô cùng cảm động.

Sau 3 tháng mày mò, sáng chế những “đèn ve chai” chiếu sáng giúp dân nghèo, dự án dạy học sáng tạo mang tên “Ánh sáng hạnh phúc” của thầy và trò Trường THPT Ernst Thalmann đã đoạt giải nhất tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm học 2016-2017 do Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM tổ chức mới đây.

Nhìn xuống để học yêu thương, chia sẻ

Để đổi mới cách học truyền thống trên lớp về một tiết học lịch sử địa phương, cô Huỳnh Quang Thục Uyên (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đã mạnh dạn cho hai lớp 10D1 và 10D2 thực hiện dự án “Học sử qua tên các con đường”. Theo cô Thục Uyên, ban đầu học trò thấy khó nhưng các em biết học cách vượt qua trở ngại, hợp sức làm việc nhóm và tích lũy nhiều kỹ năng như giao tiếp, quay phim, phỏng vấn...

Tuy không đoạt giải cao ở cuộc thi này nhưng nhiều dự án, sản phẩm dạy và học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin đã tạo hiệu ứng tốt, khuyến khích thầy và trò đổi mới cách dạy và học, vận dụng những gì đã học vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề phát sinh. Thay vì thụ động ngồi nghe giảng trên lớp, giáo viên và học sinh cùng nhập cuộc khám phá cuộc sống xung quanh và học cách nhìn xuống để sẻ chia.

Điển hình là dự án “Chuyện đời quanh em” do thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên văn của Trường THCS Văn Lang (quận 1) thực hiện đã thu hút hơn 160 học sinh khối 8 và 9 tham gia. Học sinh chia thành nhiều nhóm tự đi tìm một nhân vật vượt lên số phận kém may mắn, đang gặp khó khăn để dựng phim, phóng sự ảnh hoặc viết nhật ký nhân vật. Theo chia sẻ của một số thành viên tham gia dự án này, các em không chỉ biết nhìn xuống những mảnh đời bất hạnh mà còn cảm thấy mình thật may mắn. Từ đó, các em biết trân quý những gì mình đang hưởng và có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tương tự, dự án “Hẻm” của Trường THPT Lương Thế Vinh cũng tạo cơ hội cho học sinh lớp 11A5 và 11A6 trải nghiệm thực tế. Không quản ngại trưa nắng hay trời tối, các em lặn lội đến từng con hẻm tìm hiểu các chủ đề đặc trưng của hẻm là mỹ quan đô thị, văn hóa ứng xử và ẩm thực. Từ đó, các em sẽ tạo ra sản phẩm cụ thể như phóng sự, phim tài liệu, trang web... về chủ đề mà mình chọn. Theo các giáo viên, dạy học theo dự án đòi hỏi cả thầy lẫn trò phải đầu tư lớn về thời gian, công sức, trí tuệ và tài chính. Phải vượt qua nhiều khó khăn, rào cản nhưng khi nhìn thấy sản phẩm của mình có tính ứng dụng cao, lan tỏa giá trị nhân văn, giúp ích cộng đồng thì thầy và trò đều cảm thấy hạnh phúc.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục, cho rằng thành công của các dự án “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” đã góp phần thay đổi tư duy của người dạy, người học lẫn cái nhìn của phụ huynh, xã hội đối với giáo dục. Đây là mục đích mà ngành giáo dục TPHCM hướng tới và mở rộng thêm sân chơi gắn kết học với hành, nghiên cứu khoa học, tăng cường tính tích cực và tự học của học sinh.


KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục