“Sức mạnh mềm” của đôi đũa tre

Học giả người Mỹ Joseph S. Nye, nhà sáng lập học thuyết “sức mạnh mềm”, định nghĩa: “sức
 mạnh mềm là khả năng đạt được những điều mình muốn thông qua sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách đối ngoại để quy phục thiên hạ chứ không phải sự cưỡng bức”. Xét theo định nghĩa trên, người Trung Quốc đã khéo léo sử dụng những “công cụ thuyết phục” rất đa dạng, từ hỗ trợ phát triển văn hóa đến hợp tác thương mại… để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Mỹ Latinh. Một trong số những biện pháp đó là quảng bá văn hóa ẩm thực - được xem là công cụ “mềm” nhất nhưng mang lại hiệu quả cao.

Nếu như cách đây 20 năm, nhà hàng Trung Hoa chỉ có lác đác tại vài khu phố sang trọng ở thủ đô Santiago của Chile, thì nay đã có tới hơn 200 nhà hàng với những bảng hiệu có hai màu vàng-đỏ sáng chói mọc lên ở mọi ngóc ngách trong thành phố này. Ana Yao, chủ một nhà hàng ở Santiago cho biết cô có những khách quen tuần nào cũng đến thưởng thức các món ăn Trung Hoa. Còn Alfredo Merlet, một cư dân lâu năm ở đây nói: “Hầu hết những người mà tôi biết đều thưởng thức món ăn Trung Hoa 2 lần/tuần. Họ thích bánh bao Bắc Kinh, mì xào (giòn), chả giò cuốn phô mai, giá đỗ xào…”.

Để có được sự ưa chuộng của thực khách, các doanh nhân Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, họ cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy văn hóa ẩm thực nói riêng cũng như văn hóa Trung Hoa nói chung khắp khu vực Mỹ Latinh. Hồi tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã cử một đội gồm 5 chuyên gia ẩm thực hàng đầu sang Chile đào tạo và nâng cao các kỹ năng cho hơn 60 đầu bếp Trung Quốc đang làm việc tại nước này. Kết thúc khóa học, mỗi đầu bếp đều nhận được bằng danh dự của Chính phủ Trung Quốc.

Năm 2005, Chile là quốc gia đầu tiên không thuộc châu Á ký hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc. 5 năm sau, khi Tổng thống Sebastian Pinera sang thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu số 1 hàng xuất khẩu của Chile. Không chỉ tăng cường hợp tác với Chile, Trung Quốc đã cho vay hàng tỷ USD và viện trợ cho nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Venezuela, Ecuador và Bolivia. Sau hàng loạt các thỏa thuận thương mại ký kết với các nước trong khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Chile và Brazil, hai trong số những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực.

Dong Chuanjie, người phát ngôn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, khóa học nấu ăn là một phần của nỗ lực hợp tác, mở rộng giới thiệu văn hóa Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Như vậy, các đầu bếp Trung Quốc (gồm cả người nhập cư) ở Mỹ Latinh đã và đang làm tốt vai trò của những đại sứ cho đại diện quốc gia và cho nền ẩm thực nước nhà. Thông qua ẩm thực, “sức mạnh mềm” từ văn hóa Trung Quốc trên toàn thế giới càng thêm hấp dẫn và thuyết phục. Tờ Global Post nhận định: “Thật khó mà ngăn cản xu hướng ngoại giao bằng đũa của Trung Quốc”. Họ đã quảng bá văn hóa ẩm thực một cách lặng lẽ nhưng kỳ thực rất hiệu quả. Từ chuyện ăn uống, người Trung Quốc hy vọng thế hệ người Mỹ Latinh sau này sẽ lớn lên với những đánh giá cao về văn hóa Trung Hoa để từ đó tiếp tục thúc đẩy, phát triển những mối quan hệ cộng tác có ý nghĩa với người bạn ở bên kia Thái Bình Dương.

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục