1- Ni trưởng Thích Nữ Giác Bổn, 94 tuổi, trụ trì chùa Huệ Lâm tại 154 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8 TPHCM, luôn chú tâm làm việc thiện. Hàng năm vào dịp tết đến, Ni trưởng kêu gọi các Phật tử gần xa, kẻ ít người nhiều, không có của thì có công, cùng chung tay, chung sức đóng góp tiền, quà lo cho người nghèo ăn tết.
Những gói quà nghĩa tình, nhân ái mang theo mùa xuân và nụ cười được gởi đến những hộ nghèo, ai cũng có tết trong nhà. Mùa khai trường, Ni trưởng lại tiếp tục vận động tập vở, quần áo, học bổng cho các cháu đến trường, tiếp sức cho những đôi chân hồn nhiên như nở hoa nhộn nhịp bước vào lớp học. Khi có bão lũ thiên tai, Ni trưởng chẳng ngại mưa gió đường xa, bà cùng các Phật tử kịp thời đến nơi tâm bão vừa mới đi qua. Một chút tình thân ái sẻ chia, giúp bà con vùng bão lũ sửa chữa lại ngôi nhà đổ nát, hạt gạo ấm lòng trong cuộc sống còn bộn bề khó khăn do thiên tai tàn phá.
2 - Thích Nữ Giác Bổn tên thật là Lê Thị Nguyên, sinh ra và lớn lên tại xã Long Hồ huyện Châu Thành tỉnh Vĩnh Long. Chứng kiến cảnh giặc Pháp đàn áp dã man dân lành vô tội, bà đã mạnh dạn rời bỏ cuộc sống gấm hoa, ủng hộ phong trào Việt Minh tại địa phương, là cơ sở che giấu cán bộ cách mạng hoạt động an toàn.
Theo giấy chứng nhận của ông Phạm Văn Bạch, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, vào năm 1945, ông có về ở tại nhà của bà Lê Thị Nguyên hoạt động cách mạng (lúc đó bà là thành viên của Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Long), được bà che giấu, cùng phối hợp hoạt động cách mạng thành công và an toàn trong nhiều năm. Có lần bà đã giải cứu thành công một nữ cán bộ trên đường công tác bị tàu tuần tra của giặc Pháp bắt được với đầy đủ tang chứng tài liệu, súng ống, dao găm… đó là bà Trần Kim Thế, nguyên Phó Giám đốc Công ty Dược phẩm Sapharco TPHCM.
Năm 1946, trên đường công tác từ Sóc Trăng lên Đồng Tháp Mười, khi vượt sông Cửu Long, chẳng may bị giặc Pháp phát hiện, chúng bắn chìm xuồng, hai đồng chí hy sinh, còn bà Trần Kim Thế và một đồng chí khác bị bắt. Để cứu đồng chí mình ra khỏi nhà lao, nhất là thoát khỏi án tử hình, bà Lê Thị Nguyên đã bỏ nhiều công sức để mua chuộc các quan chức của Pháp và tay sai. Nhờ vậy mà bà Trần Kim Thế được ra tù và tiếp tục sự nghiệp cách mạng đến ngày giải phóng đất nước.
3- Là một Phật tử yêu nước, với bà, cửa thiền không thể nào tách rời khỏi những phong ba thế sự, không ngoảnh mặt trước cảnh nước mất nhà tan. Bởi vậy, đối với đạo, bà hết lòng phụng sự, mở nhiều lớp học lý luận về Phật giáo, nâng cao kiến thức cho các tăng ni mới bước vào cửa chùa; đối với cách mạng, bà là một thành viên của Mặt trận Việt Minh trung kiên, nghĩa khí, một lòng phục vụ cách mạng.
Đến khi giải phóng, bà vẫn tham gia phong trào Mặt trận của tỉnh Vĩnh Long. Năm 1980, do tuổi cao sức yếu, bà lui về chùa Huệ Lâm tu tập và làm công tác từ thiện. Cả đời vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì đạo tràng phục vụ cho Phật giáo, bà đã nêu cao tấm gương vì nước, vì đạo pháp.
Kim Dung