Sụt giảm lòng tin

Hơn 700.000 công chức Mỹ trở lại làm việc sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về ngân sách mới giúp chính phủ có thể trở lại hoạt động ít nhất đến đầu năm 2014.

Hơn 700.000 công chức Mỹ trở lại làm việc sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về ngân sách mới giúp chính phủ có thể trở lại hoạt động ít nhất đến đầu năm 2014.

Là nhân viên tại Bộ Y tế Mỹ, chị Emily Taylor chỉ biết mình sẽ trở lại làm việc sau khi đọc thông báo qua e-mail. 16 ngày qua là khoảng thời gian quý giá với chị vì giữa lúc công việc đang bề bộn, có được thời gian nghỉ khá dài như vậy giúp chị có điều kiện hoàn tất một số việc gia đình đã lên kế hoạch từ lâu nhưng chưa thực hiện xong. Đó cũng là thời gian chị dành cho con cái và bếp núc nhiều nhất. Trở lại làm việc, âu lo lớn nhất của Taylor là chị phải “vắt giò lên cổ” giải quyết công việc tồn đọng trong 16 ngày qua cùng nỗi lo về một khoản tiền Chính phủ Mỹ hứa hỗ trợ trong thời gian nghỉ việc nhưng chưa biết đến bao giờ mới nhận được. Ông Jeffrey David Cox, Chủ tịch Liên đoàn nhân viên Chính phủ Mỹ, nói: “Nhiều cuộc gọi đến được ghi âm, thư, e-mail tiếp tục chồng chất. Phải mất ít nhất 1 - 2 tuần để xử lý”.

Dù sao, chị Taylor vẫn còn may. Ở một số cơ quan khác trực thuộc Bộ Quốc phòng hay các cơ quan an ninh, do tính chất công việc, nhân viên vẫn phải đi làm suốt 16 ngày qua nhưng chưa nhận được lương. Đối với nhiều bệnh nhân, 16 ngày qua trở thành một nỗi ám ảnh lớn với họ. Như anh Jonathan Becker, bệnh nhân ung thư phổi đang cần hỗ trợ thuốc điều trị thử nghiệm từ Phòng Thí nghiệm quốc gia nhưng cơ quan này đóng cửa khiến bệnh tình anh thêm nặng.

Nhiều du khách nước ngoài đã lỡ hẹn với các chuyến tham quan thắng cảnh và di tích ở Washington D.C. khi mà họ không thể kéo dài thêm tour vốn đã thiết kế chặt chẽ. Nhiều người vẫn còn luyến tiếc dạo quanh bên ngoài các địa điểm này thay vì vào trong tham quan. Nhân viên tại các địa điểm thu hút du khách giờ đây cũng phải làm việc với công suất gấp đôi, gấp ba khi lượng du khách tồn đọng quá nhiều. Nhiều đền đài, cỏ mọc cao đến 6 inch càng lộ vẻ hoang tàn. Không phải tất cả các công sở Mỹ đều đồng loạt mở cửa mà một số kéo dài đến cuối tuần này hoặc qua đầu tuần sau.

Trên truyền hình Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho rằng không có người chiến thắng sau khi Chính phủ Mỹ đóng cửa, chỉ có tổn thất, đó chính là tổn thất của cả nền kinh tế và sự sụt giảm lòng tin của người dân Mỹ và cả thế giới đối với hệ thống chính trị ở Washington. “Có lẽ không có gì gây tổn hại hơn cho uy tín của Mỹ trên thế giới như những gì xảy ra trong những tuần vừa qua” - ông Obama nói.

Thật thế, người dân Mỹ từ trước khi Chính phủ Mỹ đóng cửa đã chán ngán với tình trạng nền kinh tế suy thoái, nay lại thêm mất lòng tin về hệ thống chính trị. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tổn thất 24 tỷ USD trong thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa vừa qua? Ai sẽ đảm bảo không xảy ra một lần đóng cửa khác vào tháng 1 hay tháng 2-2014, sau khi mức trần nợ công và giới hạn chi tiêu của chính phủ hết hạn vào lúc đó? Rất nhiều câu hỏi người dân Mỹ nêu ra nhưng chưa thấy có câu trả lời thỏa đáng.

Xin mượn nhận xét của anh Kevin Jose, nhân viên bưu cục liên bang Mỹ, để kết thúc bài viết này. Theo anh, nền kinh tế Mỹ đã trở thành “con tin” của các nhà chính trị, nhất là với đảng Cộng hòa. Thông qua lá bài ngân sách, họ muốn sử dụng quyền lực của lập pháp nhằm đạt mục đích chính trị nhưng trên thực tế họ đã thua và phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của nền kinh tế.

PHAN TRẦN

>> Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại

Tin cùng chuyên mục