Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Làm gì để tăng tốc?

Tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - một bộ phận quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế - thời gian qua được nhìn nhận chưa có nhiều chuyển động đáng kể, thiếu thực chất.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Làm gì để tăng tốc?

Tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - một bộ phận quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế - thời gian qua được nhìn nhận chưa có nhiều chuyển động đáng kể, thiếu thực chất.

Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy nhiệm vụ quan trọng này với nhiều giải pháp quyết liệt. Thủ tướng khẳng định, trong 2 năm 2014 - 2015, khoảng 500 DNNN phải CPH. Từ những góc nhìn riêng, các chuyên gia kinh tế đã “hiến kế” nhằm hiện thực hóa quyết tâm đó.

        Đánh giá đúng giá trị thực

Ý kiến trên được ông Phan Vĩnh Trị, nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin nhấn mạnh khi phân tích trường hợp cụ thể của tập đoàn này. Theo ông, ngay thời kỳ đỉnh cao của Vinashin, ngành đóng tàu mặc dù đạt được năng lực kỹ thuật (đóng được những con tàu tương đối lớn, phức tạp, được đăng kiểm và chủ tàu chấp nhận), nhưng không có năng lực đóng tàu cạnh tranh (đóng tàu đúng tiến độ và có lãi theo mặt bằng giá thị trường). Để đạt được năng lực cạnh tranh quốc tế, cần nguồn vốn không nhỏ và thời gian dài để nâng cấp toàn diện từ hạ tầng, công nghệ, con người.

Sản xuất băng chuyền cao su xuất khẩu tại Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất băng chuyền cao su xuất khẩu tại Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, hạ tầng của ngành này tan rã nhanh chóng; máy móc, nhà xưởng xuống cấp do không có tiền duy tu, bảo dưỡng và thất thoát nhiều do buông lỏng quản lý. Cùng với đó, người lao động bỏ đi hàng loạt, còn trụ lại chỉ là những người không thể đi đâu được. Hai vấn đề trên cộng với những sai phạm về kinh tế trong quá trình xây dựng đã làm giá trị thực của các nhà máy thấp hơn giá trị sổ sách rất nhiều. “Đây là thực tế cần được hiểu và chấp nhận khi đàm phán liên doanh, liên kết hoặc bán nhà máy cho các đối tác nước ngoài”, kỹ sư Phan Vĩnh Trị bình luận.

        Tính toán đầy đủ chi phí cơ hội

"Thông tư 02 của NHNN có hiệu lực từ 1-6-2014 đưa ra những quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro được xem là tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, quy định này cũng khiến các tổ chức tín dụng lo ngại nợ xấu sẽ phình to hơn và lợi nhuận ngân hàng giảm khi nhiều khoản bị liệt vào mục phải trích lập dự phòng rủi ro. Lẽ ra các quy định này được thực hiện từ tháng 6-2013, nhưng thời gian qua do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ngân hàng nên NHNN đã hoãn việc triển khai thực hiện thông tư này. Tôi cho rằng, Thông tư 02 không thể hoãn lâu thêm được."

Ông Đặng Văn Thảo -
Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước

Được hỏi về tái cơ cấu DNNN, TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, để tiến trình CPH các DNNN thành công, vấn đề then chốt là phải tính toán đầy đủ chi phí cơ hội. Thực hiện theo nguyên tắc thị trường thì việc bán cổ phần cũng giống như tất cả các loại hàng hóa khác, không nhất thiết bán cho ai cũng phải theo cùng một giá.

TS Nguyễn Đình Cung nói: “Bán lỗ, nhưng có cơ hội đầu tư vào cái khác tốt hơn hoặc cắt lỗ thì phải bán. Thậm chí cả với doanh nghiệp đang lãi, nếu cần vốn đầu tư vào cái khác để đạt được những mục đích quan trọng khác thì nên làm”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng nhận định, mặc dù đã có những áp lực hành chính rất mạnh để buộc các vị lãnh đạo doanh nghiệp phải nỗ lực tái cơ cấu; nhưng sẽ không đủ, nếu các bộ ngành - những cơ quan có trách nhiệm đề ra chính sách và hỗ trợ xử lý các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu - không chuyển động đồng tốc.

Nói cách khác, cần làm rõ cả trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương có liên quan đến tiến trình này với những mốc thời gian cụ thể, giống như đối với lãnh đạo các doanh nghiệp. Khi đó, không ai có thể đá quả bóng trách nhiệm sang “sân” khác, một sân chưa có luật rõ ràng.

        Xử lý đồng bộ nợ xấu, nợ công

Đồng thời, do có mối quan hệ hữu cơ, vấn đề tái cơ cấu DNNN cũng không thể giải quyết dứt điểm khi lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cụ thể là nợ công chưa rõ ràng, chưa thể khẳng định mức độ an toàn, trong khi nợ xấu chưa được làm sạch một cách thực chất chứ không chỉ trên sổ sách kế toán. Đây là quan điểm của TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Theo ông, câu chuyện nợ xấu của nền kinh tế thậm chí còn nặng nề hơn khi Thông tư 02/TT-NHNN về cách tính nợ xấu sẽ có hiệu lực từ tháng 6-2014 (xem thêm box).

Vẫn theo ông Lê Đình Ân, việc xử lý nợ xấu và hạch toán nợ công (bao gồm cả nợ của DNNN) phải được thực hiện thông qua chiến lược, kế hoạch rõ ràng, mang tính tổng thể, đồng bộ. Các số liệu về nợ xấu, nợ công phải được thống kê đầy đủ để có cơ sở đánh giá. Có xử lý đồng thời các vấn đề nợ xấu, kể cả phải chấp nhận chịu đau một lần, chấp nhận những con số “đắng” trong vài năm để chữa dứt bệnh của nền kinh tế thì tiến trình CPH các DNNN nói riêng và tái cơ cấu kinh tế nói chung mới tiến được những bước thực sự có ý nghĩa.

Trả lời kiến nghị của các nhà đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức cuối năm 2013 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhìn nhận rằng, nhiều cơ chế chính sách về sắp xếp CPH các DNNN hiện vẫn vướng mắc. Bà Mai cho biết, những năm tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung “gỡ” một số điểm then chốt:

- Hoàn thiện cơ chế chính sách về cải cách DNNN, trước hết là ban hành Luật Sử dụng và quản lý vốn nhà nước. Dự luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu năm 2014. Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý nợ của DNNN sở hữu 100% vốn.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi và cổ phần hóa DNNN; cụ thể sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 ngày 18-7-2011 của Chính phủ về chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

- Ban hành tiêu chí danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước làm cơ sở cho các bộ ngành phân loại và triển khai thực hiện.

Một số biện pháp mạnh cũng đang được nghiên cứu, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, bao gồm cả việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá; sửa đổi quy định chào bán cổ phần tại DNNN đã đầu tư; tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép sở hữu 100% vốn của công ty chứng khoán...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục