Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Thành công nhờ chiến lược đúng đắn

Tại Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định ngành ngân hàng đã triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng mục tiêu, lộ trình đặt ra; bảo đảm an toàn trong quá trình cơ cấu lại. Những thành công bước đầu của đề án này được xem là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Thành công nhờ chiến lược đúng đắn

Tại Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định ngành ngân hàng đã triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng mục tiêu, lộ trình đặt ra; bảo đảm an toàn trong quá trình cơ cấu lại. Những thành công bước đầu của đề án này được xem là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.

Đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, sau hơn 3 năm triển khai, đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra. Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Kết quả đạt được đến nay cũng ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định: “Sau 3 năm nhìn lại, chúng ta đã có một thanh khoản tương đối ổn định, thị trường vàng, hối đoái về căn bản ổn định, lòng tin của những người gửi tiền được củng cố. Đây có thể coi là thành công bước đầu vô cùng quan trọng để chống lại cú sốc thanh khoản xảy ra vào thời điểm trước. Nhìn toàn bộ tổng thể đó, tôi thấy quá trình tái cấu trúc đã đạt được thành công lớn”.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy quá trình tái cơ cấu giống như một “cuộc đại phẫu” làm “thay da đổi thịt” hệ thống ngân hàng với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Mở đầu là thương vụ sáp nhập 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB thành SCB; TrustBank đổi tên thành VNCB; WesternBank sáp nhập vào PVFC rồi đổi tên thành PVcomBank; Habubank nhập vào SHB; Đại Á vào HDBank; TienPhongBank gọi vốn từ Doji rồi đổi tên thành TPBank; Navibank tìm được nhà đầu tư, tự tái cơ cấu và đổi tên thành NCB… Trong năm 2015 cũng diễn ra hàng loạt thương vụ sáp nhập như MDB vào MaritimeBank, MHB vào BIDV, PGBank sáp nhập vào VietinBank, Southernbank sáp nhập vào Sacombank. Đáng chú ý là mặc dù không có ngân hàng nào bị phá sản nhưng lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện khái niệm ngân hàng 0 đồng khi hàng loạt ngân hàng yếu kém như VNCB, Oceanbank, GPBank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt và NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phần. TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank gọi đây là giải pháp “đánh chuột không vỡ bình”. Bởi cách làm này vừa bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, không gây đổ bể hàng loạt ngân hàng, đồng thời gắn trách nhiệm của các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông vì quản lý ngân hàng không có hiệu quả.

Khách hàng giao dịch tại TPBank.

3 yếu tố thực để tự tái cơ cấu thành công

Cho rằng quá trình tái cấu trúc đã đạt được thành công lớn, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá cao việc một số ngân hàng đã nỗ lực tự tái cấu trúc. Ông nhận định: “Chưa bao giờ các ngân hàng thương mại tự cảm thấy trách nhiệm của mình đối với an toàn hệ thống được đẩy lên hàng đầu như hiện nay”.

Trong các trường hợp tự tái cấu trúc thành công, có thể kể đến trường hợp của TPBank. Nhìn lại thời điểm bắt đầu tái cơ cấu năm 2012, đây là giai đoạn khó khăn trong hoạt động của TPBank với thực trạng tài chính hoạt động kém hiệu quả, rủi ro tiềm ẩn cao; nợ tồn đọng thị trường  cả nghìn tỷ dẫn đến việc phải trích lập dự phòng lớn, cũng vì vậy mà số lỗ lũy kế năm 2011 cũng rất lớn, mức nợ xấu lên tới 7%… Ngân hàng cũng chưa có hệ thống quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng.

Để hoàn thành phương án tái cơ cấu, bên cạnh sự hỗ trợ từ NHNN và các cơ quan ban ngành, phải kể đến nỗ lực nội tại của chính ngân hàng. Ngay tại thời điểm tái cơ cấu, TPBank đã chú trọng đến công tác xử lý thu hồi các khoản nợ quá hạn, thành lập ngay ban xử lý nợ có sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo cao cấp nên hoạt động xử lý nợ hiệu quả hơn...

Đến nay, TPBank được NHNN ghi nhận là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống các TCTD (0,48%). So với thời điểm tái cơ cấu, dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 490%, tương đương 19.236 tỷ đồng (so với thời điểm 30/6/2012). Chỉ ngay sau thời gian ngắn bắt tay vào tái cơ cấu, cuối năm 2012, ngân hàng đã hoạt động có lãi 116 tỷ đồng, và năm 2013 TPBank đã đạt 362 tỷ đồng; năm 2014 đạt 536 tỷ đồng và đến tháng 6/2015 - với lợi nhuận lũy kế đạt được 342 tỷ đồng - đã giúp ngân hàng đạt lợi nhuận thực dương.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho rằng, để đảm bảo một TCTD tự tái cơ cấu thành công cần hội tụ đủ 3 yếu tố thực. Một là dòng tiền thực bơm vào ngân hàng; hai là cơ cấu sở hữu cổ đông và quản lý thực, không bị lợi ích nhóm điều khiển và chi phối; ba là có ban điều hành có năng lực thật, kinh nghiệm và tâm huyết. Trên thực tế, TPBank đã thực hiện tốt cả 3 điểm này.

Tái cơ cấu là quá trình thường xuyên liên tục

Theo ghi nhận, đến cuối tháng 8/2015, ngành ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu đề ra với 91,5% tổng số nợ xấu xác định tại thời điểm tháng 9/2012 đã được xử lý. Do đó mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% đến cuối năm 2015 sẽ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh thì tái cơ cấu là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, để đạt được thành công cần sự chung sức của toàn hệ thống chính trị. Tái cơ cấu hệ thống TCTD cùng với tái cơ cấu DNNN và tái cấu trúc đầu tư công là nền tảng cơ bản để thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Với tư cách là người tham mưu trong việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, NHNN nhận định: Các ngân hàng cần coi tái cơ cấu là quá trình thường xuyên, liên tục. Nợ xấu là câu chuyện phát sinh thường ngày, con đường phía trước còn dài. Đưa hệ thống ngân hàng phát triển bền vững trong giai đoạn 2016-2020 và làm gì, làm thế nào thì cần sự trao đổi, chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà quản lý, khoa học. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đưa hệ thống ngân hàng của nước ta phát triển lành mạnh, an toàn.

N.TRANG

Tin cùng chuyên mục