Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Đức Kiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ủy ban này đang tiến hành công tác đánh giá, thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 để phục vụ kỳ họp Quốc hội cuối năm.
- Phóng viên: Xin ông cho biết những nhận định khái quát của mình về bức tranh kinh tế xã hội hiện nay?
>> Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Nền kinh tế vẫn đang đi vào ổn định, nghĩa là vẫn có những yếu tố rất đáng phải quan tâm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tầm kiểm soát và nhiều khả năng đạt mức mong muốn. Tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu đi ngang, một số ngành sáng hơn một chút. Nhưng vấn đề còn lại khiến các nhà dự báo chưa dám đánh giá lạc quan thể hiện ở thu ngân sách - vẫn còn rất khó. Tuy đã có một số lượng lớn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng qua nhưng họ chưa thể nào đạt được công suất như trước khi đóng cửa, cũng không thể giữ được đội ngũ lao động đông như trước. Bên cạnh đó, mặc dù các con số thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp... khá tươi sáng, nhưng thực chất không phải không có vấn đề đáng lo ngại.
- Thống kê về tình hình lao động chưa chính xác hay chưa phản ánh được bản chất, thưa ông?
Khi số công nhân thất nghiệp ở các KCN quay trở về làm nông, họ không được ghi nhận là “mất việc” trong các con số thống kê, nhưng thực trạng này đang làm bần hóa, cùng hóa người nông dân. Cũng một mảnh ruộng đó, nếu trước đây chỉ phải nuôi 2 người thì bây giờ bỗng nhiên phải “nuôi” thêm 1 - 2 người nữa, trong khi năng suất vốn đã không cao... Như thế thì đời sống của người nông dân khó lòng được cải thiện. Nhất là nếu nhìn trong kế hoạch trung hạn 5 năm, với một mục tiêu cốt lõi là chuyển dịch cơ cấu kinh tế; việc người lao động giờ lại quay về nông nghiệp (theo mô hình cũ, năng suất thấp). Cần phải nhìn lại và điều chỉnh, nếu không thì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đạt được.
- Trong bối cảnh đó thì việc CPI có thể đạt được chỉ tiêu liệu đã đủ để đảm bảo cuộc sống của người dân được cải thiện hay chưa?
Tôi cho rằng CPI những tháng tới sẽ từ từ nhích lên nhưng không có đột biến và sẽ quay lại tiệm cận kinh tế thị trường. Chúng ta đều biết quy luật thường thấy là từ tháng 9 trở đi sẽ có những áp lực tăng giá tự nhiên do học phí, do nhu cầu hoàn thành kế hoạch năm... Năm nay còn một số áp lực tăng giá chủ động nữa phải tính đến: dịch vụ y tế đã từng bước điều chỉnh và tháng 8 vừa rồi Hà Nội đã thực hiện; dự kiến tháng 10 TPHCM cũng sẽ tăng. “Mở van” dần như thế, CPI có thể ở mức bình quân 0,6% - 0,8%/tháng và cả năm đạt quanh 7%. Nhưng đúng là so với mức tăng trưởng GDP từ 5,3% - 5,5%; thì đời sống của người lao động và những người làm công ăn lương vẫn chịu áp lực lớn.
- Có ý kiến cho rằng việc can thiệp hành chính vào giá dù chỉ một mặt hàng, như điện, hay xăng dầu chẳng hạn, sẽ không chỉ làm tăng giá một lần mà sẽ gây nên tác động hàng loạt và trong suốt một thời gian dài sau đó?
Phải nhìn nhận hoạt động quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện tại, tức là chưa có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh mà vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ kế hoạch hóa sang thị trường mà thôi. Và như thế việc yêu cầu áp quy luật kinh tế thị trường thuần túy vào để điều hành ngay cho nền kinh tế nước ta hay dùng các nguyên lý của kinh tế thị trường hoàn chỉnh để đánh giá các hoạt động điều hành như một số chuyên gia đã nêu cũng chưa thật sự thỏa đáng. Nếu nhìn lại các số liệu về điều tra xã hội học đã được công bố trong năm 2012 thì đa số người trả lời điều tra đều nhìn nhận những mặt tích cực của kinh tế thị trường nhưng đều yêu cầu nhà nước ổn định giá cả để ổn định đời sống người dân. Phân tích từng động thái điều hành cụ thể là việc phải rất thận trọng. Nhưng nhìn lại năm 2012, khi giá dịch vụ y tế ở hơn 20 tỉnh thành được “bung” ra đúng vào dịp ngay trước tháng 9 đã tạo ra sự cộng hưởng tăng giá, làm CPI tăng đột biến, khiến người dân hoảng hốt. Năm nay đã có rút kinh nghiệm, “mở” dần nên không gây sốc.
Một vấn đề quan trọng không thể không nhắc tới là xã hội và thị trường vẫn mong muốn công tác đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế phải thực chất hơn; phải đi bằng hai chân, nghĩa là vừa cải cách, vừa gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng và xóa bỏ bất bình đẳng xã hội. Tách rời hai mặt đó thì không đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân. Lâu nay chúng ta còn ít quan tâm đến cảm nhận của người dân, chỉ số hài lòng của công chúng. Đánh giá thành công của công tác quản lý điều hành chỉ qua các con số thống kê của kinh tế vĩ mô là rất phiến diện.
- Cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện