Tái diễn tình trạng bạo lực học đường - Giải pháp gốc vẫn là giáo dục

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường được quay clip và tung lên mạng. Mới đây nhất là vụ một nữ sinh ở Quảng Ninh bị một nhóm bạn xúm vào đánh hội đồng, thậm chí còn dùng kéo cắt tóc, lột áo, gây xôn xao dư luận. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội về vấn đề này.

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường được quay clip và tung lên mạng. Mới đây nhất là vụ một nữ sinh ở Quảng Ninh bị một nhóm bạn xúm vào đánh hội đồng, thậm chí còn dùng kéo cắt tóc, lột áo, gây xôn xao dư luận. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội về vấn đề này.

- Phóng viên: Bà có cho rằng những vụ nữ sinh bạo hành đang phản ảnh bức tranh bên ngoài xã hội, phải chăng bạo lực học đường đang gia tăng?

Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Tôi cũng chưa có điều kiện phân tích sâu nhưng tôi nghĩ nó cũng liên quan với nhau. Vấn đề xã hội không thể không tác động đến nhà trường và những hình ảnh, những phản ứng như thế cũng có phần nào ảnh hưởng từ xã hội.

- Thưa bà, nhà trường và các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý các vụ việc nhưng dường như vẫn không đủ sức răn đe nên các vụ bạo lực vẫn tiếp diễn?

Vừa qua chúng ta mới chỉ giải quyết phần ngọn, tức là vụ việc xảy ra rơi vào em nào thì xử lý em đó. Thậm chí có trường hợp xử lý rất nặng để răn đe nhưng chúng ta lại quên mất rằng các em vẫn còn ở tuổi học sinh, tuổi vị thành niên, nếu chỉ giải quyết với các vấn đề đang xảy ra thôi thì không thể ngăn chặn hay hạn chế được những tính xấu đó.

Theo tôi, cách giáo dục của gia đình, học đường vẫn là giải pháp gốc rất quan trọng đối với các em. Trong gia đình, cha mẹ dù bận trăm công ngàn việc, dù cuộc sống bức bách đến đâu có lẽ cũng nên dành một phần thời gian cho con cái mình, theo dõi và tâm sự, chia sẻ với các em để xem các em có những vấn đề gì khúc mắc để góp phần giải tỏa. Tại nhà trường, các thầy cô giáo cũng phải tăng cường cùng với các em tạo nên cuộc sống lành mạnh hơn.

- Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm là trong các clip, bên cạnh việc hành hung tập thể, nhiều em học sinh khác đứng xung quanh thản nhiên, thậm chí cổ vũ, quay clip?

Thái độ thờ ơ hoặc vô tâm là một trong những vấn đề rất đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Nhiều em không tham gia vào bạo lực nhưng thản nhiên nhìn hành vi bạo lực, thậm chí còn xem đó là một trò vui giải trí. Qua đó, tôi vẫn thấy rằng gia đình nhà trường cần phải tăng cường sự quan tâm với các cháu nhiều hơn. Tôi nghĩ nhà trường phải đưa ra các quy định nghiêm cấm học sinh, sinh viên có hành vi tung clip bạo lực lên mạng. Một mặt chúng ta phải xử lý bằng một phương thức giáo dục, mặt thứ hai cũng có những hình thức răn đe nhất định nào đó.

Bảo Minh ghi

Tin cùng chuyên mục