Thanh tra Sở GTVT TPHCM vừa phát hiện hiện tượng rút ruột trong việc tái lập mặt đường Nguyễn Trường Tộ, Đoàn Như Hài (quận 4), Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận)… Trong khi hàng loạt công trình ngầm hóa cáp điện và viễn thông đang được triển khai, ngành chủ quản làm gì để chống hiện tượng rút ruột công trình? PV Báo SGGP đã đặt lên bàn ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM - đơn vị đang triển khai nhiều dự án ngầm hóa cáp điện, viễn thông - những câu hỏi về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, việc chọn thầu đơn vị thi công các công trình ngầm hóa cáp điện và viễn thông được tiến hành như thế nào?
* Ông PHẠM QUỐC BẢO: Do là công trình đặc thù có kết hợp giữa cáp điện lực và viễn thông nên chúng tôi và Viettel chia nhau khối lượng mời thầu. Các công trình đều được đấu thầu rộng rãi và đơn vị trúng thầu là những đơn vị đáp ứng đầy đủ tiêu chí, hoàn toàn khách quan.
* Tổng công ty đã thành lập tổ kiểm tra các công trình ngầm hóa. Tổ đã làm được gì, vì sao không phát hiện được hiện tượng “rút ruột” công trình, mà phải chờ đến khi Thanh tra Sở GTVT TPHCM kiểm tra mới phát hiện?
* Khi triển khai các công trình ngầm hóa, một hiện tượng bị dư luận kêu ca là cách thi công cẩu thả, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, việc đi lại của người dân, nên chúng tôi đã thành lập ngay một tổ kiểm tra để thường xuyên nhắc nhở các đơn vị thi công về các quy trình, quy định thi công đào đường. Tổ đã kiểm tra và lập hơn 10 biên bản các trường hợp thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, thiếu rào chắn, biển báo… Còn chất lượng tái lập mặt đường là trách nhiệm của đơn vị giám sát.
* Vậy có hay không chuyện rút ruột công trình và trách nhiệm thuộc về ai?
* Đối với công trình tái lập mặt đường Đoàn Như Hài và Nguyễn Trường Tộ (quận 4), tôi khẳng định là có hiện tượng rút ruột. Sau khi nhà thầu tái lập mặt đường xong, mời Sở GTVT xuống nghiệm thu, khoan ngẫu nhiên đã phát hiện một số làn phui cáp viễn thông làm không đúng với thiết kế, nên buộc nhà thầu phải làm lại toàn bộ nền hạ, trải bê tông nhựa theo đúng với thiết kế định hình của ngành GTVT. Nguyên nhân là do lãnh đạo Công ty Điện lực Tân Thuận khoán cho bên giám sát mà không theo dõi kiểm tra. Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã yêu cầu giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban quản lý dự án của Công ty Điện lực Tân Thuận kiểm điểm, bàn biện pháp khắc phục và tự đề xuất hình thức kỷ luật, báo cáo cho tổng công ty xem xét. Riêng nhà thầu sẽ hoàn tất việc khắc phục trước ngày 25-12-2012.
Còn việc tái lập mặt đường Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận) làm lộ ra cáp ngầm trạm Tân Sơn Nhất. Nguyên nhân là do thiết kế tái lập của Công ty Điện lực Gia Định không phù hợp với thiết kế định hình của ngành GTVT nên họ buộc phải làm lại. Việc này, Công ty Điện lực Gia Định phải rút kinh nghiệm. Còn việc thay đá xanh bằng đá đen, nhà thầu đã khắc phục. Nói chung, nguyên nhân là do lơi lỏng khâu giám sát và thiệt hại do phía nhà thầu chịu trách nhiệm.
* Để tránh tiếp diễn những sai phạm tương tự, ngành điện lực TPHCM có những giải pháp gì?
* Tuần này chúng tôi sẽ họp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh, không để tái diễn những sai phạm tương tự. Chúng tôi buộc các đơn vị phải đảm bảo thiết kế đúng với thiết kế định hình của ngành GTVT. Về tái lập, các đơn vị phải tăng cường vai trò của giám sát A đồng thời phải thuê tư vấn giám sát chuyên ngành GTVT để đảm bảo tái lập mặt đường đúng theo yêu cầu đã quy định. Mặt khác, khi tái lập, phải chụp hình các công đoạn để lưu hồ sơ công trình. Đặc biệt, lần này sẽ cho đào ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng trước khi nghiệm thu. Đây là áp lực để buộc các chủ đầu tư và nhà thầu phải tăng cường tính trách nhiệm. Nếu không đạt sẽ buộc phải làm lại cả công trình trước khi mời Sở GTVT xuống kiểm tra. Để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình, chúng tôi đã có tờ trình để TP sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành điện lực, cấp nước… tại các đoạn giao chéo công trình ngầm, để các bên có liên quan cùng phối hợp thực hiện và kiểm tra, đảm bảo chất lượng công trình.
THƯ LÊ (thực hiện)