Theo Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố cùng với những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến công tác quản lý nguồn nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chất lượng nước có xu hướng xấu đi, cạn kiệt và ô nhiễm; khai thác nguồn nước một cách lãng phí; gia tăng sự rủi ro do nguồn nước gây ra.
Khai thác quá mức
Cụ thể, chất lượng nước của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và ô nhiễm nhẹ về dầu mỡ. Trong khi đó, nước mặt khu vực sông Nhà Bè, Cần Giờ và chất lượng nước ở các kênh rạch trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm vi sinh rất lớn. Nước ngầm khu vực TPHCM đã được khai thác sử dụng từ lâu và chính thức đưa vào mạng cấp nước của thành phố vào năm 1880 và từ đó, việc khai thác nguồn nước ngầm này ngày càng gia tăng. Từ năm 1880 - 1990, TPHCM khai thác 6.000m3/ngày/đêm, nhưng đến nay đã khai thác gần 600.000m³/ngày/đêm và khai thác nguồn nước dưới đất đến nay chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu nước của thành phố.
Không dừng lại ở việc khai thác quá mức, tài nguyên nước ở thành phố còn đang bị ảnh hưởng trầm trọng từ BĐKH. Qua tính toán hiện tượng xâm nhập mặn tại thành phố cho thấy, gần như toàn bộ diện tích huyện Cần Giờ phải chịu ảnh hưởng kéo dài của độ mặn 4% (ranh mặn dành cho nước nông nghiệp). Độ mặn nâng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề cấp nước ngọt cho thành phố. Tình hình nhiễm mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng tăng cao do sự suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn, cũng như xâm nhập mặn gia tăng do mực nước biển dâng. Đồng thời, lượng nước tích của các hồ trên thượng nguồn (Trị An và Dầu Tiếng) có xu hướng giảm vào mùa khô, do đó lượng nước xả từ hồ không đủ lớn để đẩy lùi nước mặn do thủy triều đẩy lên. Việc gia tăng độ mặn tại các điểm thu nước của nhà máy nước đe dọa trực tiếp đến hoạt động của các nhà máy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố. Theo tính toán, ranh mặn 1% (giá trị giới hạn cho nước sinh hoạt) gần Nhà máy nước Thủ Đức nhất, năm 2030 là 6,5km và chỉ còn 3km vào năm 2070. Đây là khoảng cách không an toàn cho nguồn nước nhà máy sử dụng. Do đó, việc di dời Nhà nước máy Thủ Đức trong tương lai phải được tính đến. Với Nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước từ kênh Đông (huyện Củ Chi) thì khoảng cách giữa nhà máy và ranh mặn 1% gần nhất là 16,2km vào năm 2030 và thu hẹp còn 15,3km vào năm 2070. Bên cạnh đó, khả năng trữ nước của hồ Dầu Tiếng cũng ảnh hưởng rất nhiều với hai trạng thái trái ngược nhau: mùa khô lưu lượng nước giảm từ 8%-12%, gây hạn hán; mùa mưa lượng nước lại tăng vọt, gây lũ lụt.
Ngoài ra, vấn đề nước cũng tác động nhiều đến nông nghiệp, khiến nông nghiệp của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô và nước bị nhiễm mặn. Theo ghi nhận, TPHCM đã chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt từ năm 2005 - 2010. Cụ thể, diện tích lúa gieo trồng bị ảnh hưởng do ngập úng là 1.500ha, mía 2.970ha; trong đó, diện tích lúa bị mất trắng 255ha, trên 50% diện tích lúa bị giảm sản lượng, chưa kể diện tích rau màu phải gieo trồng lại. Tổng thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn là 1.770ha lúa và 2.970ha mía, trong đó diện tích mất trắng là 45ha, làm giảm 73% sản lượng với tổng thiệt hại 1,176 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng do hạn hán 1.101ha lúa và 545ha rau, tổng thiệt hại gần 350 tỷ đồng.
Khai thác nước ngầm quá mức sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, lún sụp đất. Ảnh: THÀNH TRÍ
Cần đồng bộ giải pháp
Theo quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước sạch tại thành phố dự đoán sẽ tăng mạnh lên 3,7 triệu m3/ngày vào năm 2025. Đồng thời, thành phố sẽ phát thải một lượng tương ứng nước thải sinh hoạt, y tế, nông nghiệp và công nghiệp cần được xử lý trước khi xả thải vào các nguồn tiếp nhận. Tình trạng khai thác nước mặt, nước ngầm và xả thải chưa qua xử lý vào các nguồn tiếp nhận trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã làm suy giảm số lượng và chất lượng nguồn nước, gây khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên nước cũng như hoạt động khai thác và cung cấp nước sạch đến người dân. Để hạn chế tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải đồng bộ các giải pháp từ phi công trình đến công trình chứ không thể thực hiện riêng lẻ.
Trao đổi về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TPHCM cho rằng, TPHCM cần có các biện pháp trữ nước, bao gồm các hồ chứa nước, thu gom bổ cập nước ngầm kèm theo giải pháp hạn chế bay hơi. Việc xây các hồ chứa nước này nên kết nối vào các nhà máy nước hiện hữu nhằm hỗ trợ cho việc phòng chống nhiễm mặn đỉnh điểm tại các vị trí lấy nước sông, đồng thời thực hiện chức năng điều tiết lũ. Nước mưa là nguồn nước sạch, việc thu trữ nước mưa là phương pháp đơn giản không chỉ làm giảm xói mòn, ngập úng mà còn giúp giảm áp lực lên hệ thống nước ngầm. Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ chất lượng nước, chống ô nhiễm nguồn nước, nguồn thải công nghiệp và sinh hoạt, bảo đảm các nguồn nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất có nguồn nước thải, xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm quy định về xả thải vào nguồn nước; khai thác và sử dụng nước ngầm một cách bền vững thay thế nước mặt vào thời điểm và khu vực thích hợp. Bên cạnh đó, TPHCM cần thực hiện tốt chiến lược quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và phòng chống cháy rừng; hạn chế khai thác rừng làm nương rẫy. Công tác trồng rừng ưu tiên sử dụng các giống cây bản địa có khả năng chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Nghiên cứu các giống cây trồng có khả năng thích ứng được với sự thay đổi nhiệt độ như chịu nước, có khả năng kháng dịch bệnh cao hơn và đạt năng suất cao; chuyển đổi thời vụ của các loại cây trồng dễ bị tác động.
Hiện nay, thành phố đang áp dụng biện pháp đẩy nước mặn trên sông Sài Gòn là xả thải nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng, dù đạt hiệu quả cao nhưng rõ ràng là tiêu hao nhiều nước ngọt, nguồn tài nguyên ngày càng quý hiếm nhất là trong bối cảnh BĐKH như hiện nay. Trong khi đó, thành phố có nguồn nước khác đang cần xả thải đến hàng triệu khối hàng ngày là nước thải đô thị sau xử lý. Nếu sử dụng được nguồn nước này để làm rào cản ngăn nước mặn thay vì phải xây đê ngăn mặn vừa tốn kém, vừa có nhiều nguy cơ đối với sinh thái và ô nhiễm môi trường.
Minh Hải