
Diễn đàn du khách đã nhận được lá thư dài 9 trang của chị Trần Thùy Linh, trợ lý Tổng Lãnh sự quán Đức tại TPHCM. Lá thư đầy tâm huyết với những ý tưởng, đề xuất rất thiết thực để đưa du lịch TPHCM, du lịch VN phát triển. Chúng tôi xin trích đăng lá thư này với mong mỏi TPHCM sẽ nhanh chóng trở thành điểm du lịch lý tưởng trong khu vực.
Để du lịch Việt Nam phát triển

Hàng loạt lễ hội, Festival được tổ chức ở các thành phố (TP), nhưng có ai thống kê được số lượng du khách nước ngoài vào VN tăng bao nhiêu qua các sự kiện này? Rồi hội chứng “Năm Du lịch” đang diễn ra ở các địa phương, liệu có phù hợp với thị hiếu du khách nước ngoài mà ta nhắm tới?
Chúng ta đã quảng bá hình ảnh Việt Nam, TPHCM như thế nào? Sự hiện diện của những gian hàng Việt Nam quá bé nhỏ, đơn sơ trong các hội chợ du lịch (DL) tầm cỡ thế giới ở Đức, Anh, Pháp, Mỹ đã mang lại cho ngành DL VN những gì?
Cả một nước VN hơn 80 triệu dân bước vào buổi trình diễn hoành tráng của thế giới với một gian hàng trong góc kẹt (vì năm nào cũng đăng ký trễ), trang trí nghèo nàn và bị xé lẻ vì các DN lữ hành tranh nhau phô “vẻ đẹp” của mình (lý do triền miên: không có tiền thuê nhà thiết kế chuyên nghiệp giỏi, không có tiền trả chi phí mặt bằng, phải chia ra để DN “gánh” bớt!), không có sự kiện nổi bật để thu hút sự chú ý của giới công chúng, báo chí tới VN (lý do cũng hợp lý lắm: thiếu thời gian chuẩn bị, không có nhân sự và thiếu... tiền).
Mặc dù phải ghi nhận rằng sự hiện diện của gian hàng VN có khá hơn qua mỗi năm, nhưng thế giới luôn biến động, những gì chúng ta cần là một bước đột phá trong việc tạo dựng hình ảnh VN. Tôi tin rằng, với những người đã từng tham dự vào những sự kiện như thế, có tâm huyết với ngành du lịch nước nhà, đây là điều đau xót đến nhức nhối. Chúng ta không thể nói là không có tiền để đầu tư cho sự phát triển của ngành. Chúng ta đã hoang phí không đúng chỗ và chưa biết liên kết để phát huy nội lực của nhau.
Ngoài ra một điểm yếu đáng lo ngại, ngày càng có xu hướng gia tăng của DL VN, là tình trạng chất lượng sản phẩm không đồng đều, những cam kết về dịch vụ khi chào bán tour cho khách nước ngoài không được giữ vững, vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, làm ảnh hưởng tới danh tiếng và hình ảnh của điểm đến Việt Nam. Điển hình là tình trạng khan hiếm chỗ trên các chuyến bay, tình hình căng thẳng trong đặt phòng tại các khách sạn, chưa kể là giá cả luôn cao hơn so với các nước trong khu vực….
Đây là một thực tế mà rất nhiều hãng lữ hành lớn của nước ngoài phản ảnh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định có đưa điểm đến VN vào tour chào bán không. Tôi vô cùng thấm thía logo và slogan mà ngành DLVN chọn cho năm 2006, phản ánh đúng thực trạng và tư duy của DLVN: “The hidden charm” (Vẻ đẹp tiềm ẩn). Nhưng tiềm ẩn tới bao giờ? Tại sao chúng ta lại phải khiêm tốn đến vậy trong kinh doanh? Tất cả những nhận xét ấy vẽ lên một điểm đến nhàn nhạt và mất hút trong những “Độc đáo Singapore”, “Malaysia đích thực châu Á” trong mắt du khách nước ngoài.
Thế mạnh của du lịch VN và TP Hồ Chí Minh:
Tôi không có ý định vẽ nên một bức tranh xám xịt về ngành DL VN. Vạch ra những điểm yếu, nêu ra những chỗ chưa được, thường là dễ dàng hơn là nêu ra cách khắc phục và cụ thể hóa những điều đó. Để có thể đưa ra một số giải pháp nhằm giúp thúc đẩy sự lớn mạnh của DL TPHCM trong khuôn khổ phát triển của ngành DL VN, cần phải nắm được cả những điểm mạnh của cả nước, từng địa phương và ngành du lịch nói chung theo phương châm: “ biết người, biết ta“.
Điều đầu tiên về thế mạnh của du lịch Việt Nam mà hầu như ai cũng nói đến là: phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bãi biển dài, bề dày văn hóa, con người thân thiện v.v…. Tất cả những nhận xét ấy vẽ lên một điểm đến nhàn nhạt và mất hút trong những “Uniquely Singapore“, “Incredible India“…., trong mắt du khách nước ngoài. Tôi không biết những nhà hoạch định chiến lược du lịch của Tổng Cục DL hoặc Sở DL TPHCM đã có bao giờ thử làm một cuộc tìm hiểu về đề tài “ Hãng/Khách du lịch nước ngoài đánh giá thế nào về thế mạnh của du lịch Việt Nam /TPHCM ?“ và so sánh với “Chúng ta đánh giá thế nào về thế mạnh du lịch Việt Nam/TPHCM ?“.
Tôi tin chắc Quý vị sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị ở đây. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành của mình, tôi nhận thấy có khá nhiều khác biệt trong quan điểm và tư duy hoạch định chiến lược ( nguyên nhân xuất pháp từ hai lối tư duy khác nhau, người châu Á thương thiên về tư duy phân tích, còn người Âu thường thiên về tư duy tổng hợp), mà từ đó sẽ có thể dẫn tới những định hướng sai, hoặc chệch hướng trong việc đề ra một chiến lược phát triển cũng như các biện pháp thực hiện.
Theo tôi, phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trên thế giới có rất nhiều. Bãi biển và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, thế giới cũng không thiếu; Nói cho công bằng, ở khu vực Đông nam Á vì nhiều lý do, Việt Nam chưa thể chiếm ưu thế trong cạnh tranh ở mảng thị trường du lịch tắm biển & nghỉ dưỡng. Bề dày văn hóa và việc giữ gìn được bản sắc dân tộc là một điều đáng tự hào, nhưng du khách từ những nơi xa xôi như châu Âu và châu Mỹ có biết tới điều đó chưa và liệu điều đó đã đủ để thu hút khách tới VN chưa? Đã đủ sức thuyết phục để các hãng lữ hành quốc tế xem VN như một điểm đến hấp dẫn bên cạnh hàng ngàn điểm đến khác cũng hấp dẫn?
Vấn đề của chúng ta là phải làm cho du khách biết về những vẻ đẹp đó. Không thể “tiềm ẩn“ mà mong phát triển được! Điều gì có thể được coi là nổi bật của VN . Theo ý kiến của riêng tôi, đó chính là con người VN. Hình ảnh VN đã đi khắp thế giới qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, và cả thế giới khâm phục những người VN bé nhỏ đã thắng Mỹ ngày nào. Hãy giới thiệu cho họ những con người Việt Nam, xã hội và bản sắc dân tộc Việt Nam, của ngày hôm nay! Cùng với những thế mạnh khác đã nêu ở trên, chúng ta có thể chào những sản phẩm mà chỉ Việt Nam mới có, không đâu có! Tôi xin cụ thể hóa vấn đề này ở mục sản phẩm du lịch.
Thế mạnh tiếp theo của Việt Nam trong giai đoạn này chính là sự chú ý tới Việt Nam của thế giới đã không ngừng tăng lên trong ít nhất 10 năm trở lại đây. Thông qua sự ổn định về chính trị – vô cùng quan trọng trong tình hình phức tạp của thế giới hiện nay, sự phát triển kinh tế và việc giữ vững tốc độ tăng trưởng cùng với những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại VN, đã thu hút không ít những công ty, tập đoàn Âu Mỹ lớn nhỏ vào VN.
Chính môi trường du lịch thân thiện này ( mà không phải điểm đến nào trong vùng cũng có!) là điều kiện vô cùng thuận lợi cho DL phát triển. Nhiều hãng lữ hành lớn đã “để mắt“ tới Việt Nam và sẵn sàng đầu tư lâu dài và vững chắc cho một điểm đến mới trong brochure của họ. Vấn đề đặt ra là: Chúng ta chào bán cho họ cái gì cho xứng với tầm đầu tư của họ ?? Nếu không có sự nỗ lực đồng bộ đã nêu ở trên về phía Việt Nam kết hợp với nỗ lực bán tour của các hãng nứoc ngoài, con số hàng triệu khách DL thật sự ( Không phải những con số mà các báo cáo gần đây thường nêu, bao gồm đủ mọi thành phần nhập cảnh) sẽ mãi chỉ là mơ ước.
Chỉ khi nào chúng ta có những sản phẩm bao hàm ý nghĩa gắn kết chặt chẽ giữa hai thế mạnh trên với các thế mạnh truyền thống của VN như phong cảnh đẹp, bờ biển dài, một nền văn hóa truyền thống mang tính bản địa cao…, cùng với việc đầu tư cho một chiến lược quảng bá hợp lý theo phương châm “ chào bán những gì khách muốn mua, chứ không phải những gì ta có“, thì lúc đó mới có thể hy vọng đứng vững trong cuộc cạnh tranh về sức hút du khách với các nước khác trong vùng.
Đối với TPHCM, theo tôi, thế mạnh nằm ở sức trẻ, khả năng hòa nhập và sự năng động về mọi mặt của TP. Du khách thường bị bất ngờ khi tới TP và ấn tượng về sự khá biệt mà TPHCM mang lại cho họ, khi so sánh với TP khác của VN: Một thành phố hiện đại với bản sắc riêng, đây là khía cạnh mà chúng ta cần khai thác.
Nhưng xin nhớ rằng, chỉ một TPHCM không thể đưa du khách tới quyết định mua tour đi VN và vì vậy, công tác quảng bá DL cho TPHCM chỉ có hiệu quả khi được tiến hành đồng bộ với DL cả nước. Mặt khác, thuần túy về công tác tổ chức: Hầu hết các công ty lữ hành danh tiếng của VN và cả nước ngoài đều đặt tại TPHCM (đây là nội lực rất đáng kể) và sẵn sàng tham gia dưới nhiều hình thức vì sự phát triển của chính họ trong khuôn khổ của sự nghiệp phát triển của ngành DL TP, nếu có sợ hỗ trợ đúng hướng từ phía Sở DL.
Dưới đây xin được trình bày một vài ý tưởng cho sản phẩm du lịch TPHCM.
Bán gì và cho ai ?- Tạo dấu ấn cho sản phẩm du lịch
Để có thể trình bày một cách thấu đáo về vấn đề này, cần có cả một công trình khoa học. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập tới một số vấn đề theo tôi là cần thiết trong thực tiễn kinh doanh lữ hành – đồng nghĩa với ý kiến cho một hướng phát triển ngành DL không chỉ của TP HCM:
• Đối tượng khách của chúng ta là ai ? Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này lại mang rất nhiều ý nghĩa trong việc định hướng chiến lược. Theo tôi: Đối tượng cụ thể trực tiếp của chúng ta là các hãng lữ hành nước ngoài. Đối tượng gián tiếp, hoặc mở rộng hơn mới là khách du lịch nói chung. Trong thực trạng du lịch hiện nay (điều này có thể thay đổi trong tương lai), số du khách tới VN phần lớn đều thông qua các tour/ dịch vụ của các hãng lữ hành quốc tế.
Đây cũng là những khách sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn là đối tượng khách mà chúng ta quen gọi là du lịch balô. Mỗi hãng lữ hành nước ngoài đều có tiêu chí kinh doanh riêng, nhắm tới những đối tượng khách hàng riêng và chiếm lĩnh những vị trí nhất định trong thị trường du khách của nước đó. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ xây dựng được những sản phẩm thích hợp dành cho các đối tượng khách (hãng) thích hợp. Thí dụ : Sản phẩm dành cho các hãng lữ hành Nhật phải khác so với khách Âu, khác với khách Mỹ v.v….
•Tạo sản phẩm DL mới như thế nào?
Ở đây xin không đề cập tới những sản phẩm thuộc nhiều loại hình du lịch đặc thù đã có sẵn của các doanh nghiệp lữ hành VN hiện đang chào bán cho các hãng du lịch quốc tế. Các công ty kinh doanh lữ hành Việt Nam cũng đang gặp nhiều lúng túng trong việc tìm ra những sản phẩm mới mang tính cạnh tranh và đột phá. Chỉ xin phép nêu ra hai đề nghị cơ bản nhất với Sở DL TPHCM- cơ quan quản lý nhà nước- dựa trên những điểm mạnh đã phân tích ở mục 2, như thí dụ cho những biện pháp có thể tiến hành nhằm giúp cho các công ty lữ hành tại TP phát triển sản phẩm du lịch cụ thể :
1. Hầu như ý kiến chung của các doanh nghiệp lữ hành là Sở DL chưa giúp đỡ được nhiều trong việc xây dựng sản phẩm du lịch của họ. Thiết nghĩ việc xây dựng một chương trình/dự án nghiên cứu về tổ chức/hoạt động của ngành du lịch các nước và thị hiếu du khách của một số thị trường trọng điểm ( Thí dụ: Pháp, Nhật, Mỹ, Đức…., do chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện), nhằm cung cấp thông tin và đưa ra định hướng cho việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, như là một bộ khung, gợi ý cho các doanh nghiệp lữ hành từ đó sáng tạo những sản phẩm đặc thù riêng của họ là hết sức cần thiết.
Theo thiển ý của tôi , bên cạnh những tour du lịch thiên về danh lam thắng cảnh, hoặc nghỉ dưỡng tại các khu resorts, những sinh hoạt đời thường của người dân thành phố luôn thu hút khách du lịch , nhất là du khách đến từ châu Âu:
Thí dụ : Nội dung “Con người VN/TPHCM”: có thể tổ chức những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ theo các đề tài/lĩnh vực mà khách /hãng nước ngoài quan tâm: như tiếp xúc với giới trẻ, sinh viên các trường đại học /tại nhà văn hóa Thanh niên… để tìm hiểu về cuộc sống lớp trẻ hiện nay, tổ chức những chương trình Home-stay, cả ở TP HCM và các địa phương khác, qua đó tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt ở các vùng…, tổ chức thường kỳ những buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa, phong tục, con người,kinh tế, quan hệ song phương giữa nước đó với VN và TPHCM…. do những chuyên gia đảm trách, tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng của các lãnh vực khác nhau v.v…. (Tôi tin rằng những đề tài này không chỉ hấp dẫn khách du lịch nước ngoài , mà còn có thể nhắm tới khách VN và nhiều tầng lớp khác tại TP); hỗ trợ những người có tâm huyết với văn hóa VN (như nhà thiết kế Sĩ Hoàng với quán Trà Điểm của một thời, Sân khấu thử nghiệnm TP, tạo dựng một sân khấu Fashion-Show, áo dài….), mở rộng ý tưởng của họ với qui mô lớn hơn và giới thiệu rộng rãi tới du khách hơn….
Hoặc : Nội dung “Thành phố HCM trong mắt du khách” : Mạn đàm về TP HCM - giữa khách và chủ nhà. Cần qui hoạch lại lộâ trình tour cyclo, sớm hoàn thành dự án phố đi bộ, đa dạng hóa các hình thức tham quan TP ( city tour ) bằng nhiều phương tiện, tổ chức tuyến đường sông Sài Gòn, xe thổ mộ chạy ở vùng ven, giới thiệu các làng nghề gốm, sơn mài ở Bình Dương, tre ở Củ Chi ( liên kết đầu tư phát triển làng nghề)….. Xây dựng tour 1 ngày cho du khách tham gia vào hoạt động của một gia đình VN ở thành phố ( với những hoạt động đặc thù của thị dân) , ở vùng ngoại ô (với đặc thù của nông thôn, cấy lúa, trồng rau, hoa, cây ăn trái, cần đầu tư vào một số vườn cây ăn trái, thí dụ ở Hóc Môn, Củ Chi )v.v…
Hoặc : Nội dung “ Giới thiệu về ẩm thực Việt Nam tại TPHCM” : Tại sao không áp dụng mô hình nhà hàng Ngon, hiện đang kinh doanh rất thành công và được tất cả mọi tầng lớp du khách ưa chuộng, ở một qui mô lớn hơn tại trung tâm TP; tìm nhà đầu tư mô hình chợ đêm thay thế cho chợ đêm Bến Thành đang hoạt động không mấy hiệu quả…. Một hình thức khác: tổ chức cho khách ăn chay tại một ngôi chùa hoặc một địa điểm nào đó thích hợp, tổ chức những buổi học và thi nấu một món ăn VN đơn giản... Đương nhiên, muốn thực hiện những ý tưởng này, cần có những chương trình cụ thể, với công tác chuẩn bị thích hợp về tài chính, nhân sự và nhất là sự hỗ trợ của toàn bộ các ban, ngành liên quan và phải được sự hưởng ứng của các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn TP.
Tất cả những điều này đều tạo ra những điểm nhấn, sự kiện ( Highlights) hết sức khó quên cho chuyến đi của du khách tới TPHCM. Ở các địa phương khác, có thể áp dụng những mô hình khác, tùy theo đặc thù về nhiều mặt của địa phương đó.
Một vài công ty cũng đã có những tour mang sắc thái tương tự, nhưng cũng chỉ nhằm phục vụ cho một đối tượng khách nhất định, chưa được quảng bá rộng rãi thiếu tính đồng bộ và nhất là thiếu tính liên kết nên những sản phẩm này rất manh mún và có vòng đời rất ngắn. Ở đây vai trò nhạc trưởng của Tổng cục hoặc Sở DL là rất cần thiết.
2. Để có thể thực thi tất cả các chương trình/ dự án nhằm phát triển du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch nói riêng, yếu tố nhân sự phải được đặt lên hàng đầu.
- Sở có thể giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân sự thông qua việc tổ chức các khóa học chuyên đề ( trong mùa thấp điểm) như Marketing và kinh doanh du lịch, điều hành du lịch, nghiệp vụ HDV DL… do các chuyên gia VN về nhiều lĩnh vực và các chuyên gia du lịch nước ngoài đảm nhận.
Về hình thức có rất nhiều cách để có thể giảm thiểu chi phí và tổ chức như: có thể lập ra những dự án nhỏ cho mỗi chuyên đề và thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao tại TP các tổ chức giới thiệu chuyên gia quốc tế … để tìm nguồn tài trợ, giúp đỡ hoặc kêu gọi chính các doanh nghiệp du lịch tại TP tham gia; Tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ dùng trong lữ hành; tổ chức những buổi gặp gỡ và thuyết trình về từng đề tài chuyên môn, hoặc thị trường ( mời chuyên gia du lịch của thị trường đó), do các doanh nghiệp luân phiên đứng ra tổ chức, qua đó Sở DL cũng sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, tạo mối liên kết tốt hơn giữa quản lý nhà nước và doanh nghiệp v.v…..
- Đầu tư cho lực lượng Hướng dẫn viên cần phải được ưu tiên, vì họ là bộ mặt và người đại diện cho VN và là “ sản phẩm” đầu tiên, gây ấn tượng đầu tiên đối với du khách. Muốn có sản phẩm tốt thì phải có đầu tư, mà hiện giờ tình trạng chất lượng hướng dẫn viên hết sức không đồng bộ. Cần mở các khóa đào tạo chất lượng cao ( với sự tham gia của chuyên gia DL trong và ngoài nước) và thường xuyên, trong mùa thấp điểm ( từ tháng 5 tới tháng 9 hàng năm) về nhiều đề tài, dành cho HDV. Sở Du lịch nên đứng ra làm đầu mối liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở đào tạo để kịp thời có nguồn bổ sung HDV chất lượng tốt và ngoại ngữ giỏi, nhất là đối với các thứ tiếng hiếm, nhưng nhu cầu ngày càng tăng như Nhật, Đức, Hàn.
3.Bán như thế nào ?- Một số đề nghị cho công tác quảng bá DL và hỗ trợ kinh doanh cho các công ty lữ hành TP HCM
Sau khi đã xác định rõ mục tiêu, xác định thị trường trọng điểm, định hình chiến lược phát triển, củng cố sản phẩm thì vấn đề đặt ra là làm sao để kinh doanh thành công với sản phẩm đó ? Xin không đề cập tới chính sách kinh doanh của từng đơn vị lữ hành, chỉ xin nêu một vài đề nghị về biện pháp hỗ trợ kinh doanh của Sở DL với chức năng quản lý nhà nước:
1.Cải tiến việc tham gia Hội chợ Quốc tế
Như đã phân tích, một gian hàng VN hiện diện ở Hội chợ quốc tế phải là sự hiện diện của cả nước VN, chứ không phải của một vài đơn vị riêng lẻ hoặc một vài địa phương. Muốn đột phá và tạo dựng hình ảnh mới, cần đầu tư đúng mức về mọi mặt, cần có sự tham gia của một công ty chuyên về tư vấn du lịch có uy tín. Vì vậy, thực ra vấn đề ở đây là vai trò của Tổng cục Du Lịch, chứ không chỉ của riêng Sở Du lịch TPHCM.
2.Tăng cường công tác xúc tiến du lịch
- Xúc tiến tại chỗ thông qua các sự kiện được tổ chức tại VN/TPHCM :
+ Tổ chức sự kiện/ lễ hội: cần nghiên cứu kỹ lưỡng về mức độ thu hút của từng sự kiện dự định tổ chức đối với khách du lịch quốc tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia, cần có đủ thời gian chuẩn bị, có mối liên kết giữa các đơn vị có liên quan và chú trọng nhất phải là công tác quảng bá ở nứơc ngoài. Một thực trạng thường gặp, không chỉ ở TPHCM, là việc chuẩn bị cho những lễ hội thường quá gấp rút hoặc sơ sài, hoặc “giữ bí mật tới phút chót”, nên các doanh nghiệp lữ hành muốn chào hàng cũng không biết chào như thế nào.
Và kết quả là dù Lễ hội được tổ chức rất hay nhưng không thu hút được du khách nước ngoài. Những sự kiện lớn phải được chuẩn bị trước từ 1-2 năm và bộ phận PR, các hãng lữ hành phải được phải được đặc biệt chú trọng và thường xuyên cập nhật tin tức về sự kiện tới các hãng lữ hành quốc tế. (Thí dụ: TPHCM có thể nâng cấp Lễ hội Tết hàng năm ở qui mô lớn hơn, có sự chuẩn bị dài hơi hơn, tạo thành sản phẩm du lịch chào bán rộng hơn tới các hãng lữ hành nước ngoài)
+ Tổ chức Seminar, hội thảo, hội chợ du lịch : cần chú ý tới việc mời đúng đối tượng (hãng lữ hành nước ngoài) tham gia, qua nhiều kênh ( ngoại giao, báo chí nước ngoài, các doanh nghiệp lữ hành trong nước, các cơ quan chức năng về du lịch của các thị trường trọng điểm…)
+ Tăng cường hoạt động thông tin cho du khách tại TPHCM và thông tin về TP HCM tại các vùng khác trong nước: Ấn phẩm quảng cáo cho DL TP hiện nay quá thiếu và quá yếu, cần sớm mở cửa trung tâm thông tin cho du khách và chú trọng cập nhật website về thông tin du lịch tại TP HCM….
- Xúc tiến tại nước ngoài thông qua các hoạt động tại các thị trường trọng điểm: Đương nhiên, các hoạt động này không thể thiếu vai trò quan trọng của Tổng cục DL và các cơ quan khác. Đơn cử một vài hoạt động chi phí thấp hoặc có thể chia sẻ chi phí:
+ Tổ chức cho doanh nghiệp du lịch VN, tiếp xúc và tìm hiểu bộ máy hoạt động du lịch tại nước ngoài và tiếp xúc trực tiếp với các hãng lữ hành thông qua các buổi Match-making tại VN hoặc tại nước ngoài, nơi mà các doanh nghiệp TPHCM đều có cơ hội trình bày sản phẩm của mình ( Việc này, tốt nhất là thông qua sự hỗ trợ của cơ quan ngoại giao VN tại nước sở tại, hoặc cơ quan ngoại giao của nứơc đó tại VN).
+ Phối hợp cùng cơ quan quản lý về DL hoặc chọn một số đối tác lớn thuộc thị trường trọng điểm, có nhiều đại lý và văn phòng du lịch để tổ chức các Road-Shows dành cho những nhân viên trực tiếp bán tour của họ; hoặc tổ chức những đêm VN ( dạng đơn giản, bao gồm Slide-Shows, giới thiệu sản phẩm, trả lời câu hỏi…) tại các thành phố lớn thuộc thị trường trọng điểm với sự tham gia của các hãng lữ hành địa phương v.v…..
+ Tổ chức các đoàn Fam trip cho báo chí nước ngoài ( với sự hỗ trợ của VNAirlines và doanh nghiệp lữ hành trong nứơc)
+ Chọn và mời một vài nhân vật nổi tiếng từ các thị trường trọng điểm tới du lịch VN, gắn liền với chiến dịch PR ( báo chí, làm phim….) để gây sự chú ý của công chúng tại thị trường đó. Có thể liên kết với một hãng lữ hành nước ngoài, hàng không v.v… để chia sẻ chi phí
+ Nâng cao vai trò đại diện của văn phòng đại diện du lịch VN tại ở nước ngoài và kiến nghị Tổng cục du lịch lập Văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm còn thiếu...
TRẦN THÙY LINH
Tin, bài liên quan
Hãy “cải thiện” du lịch lễ hội