Tấm gương lớn về đức độ và hy sinh

Nhận tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chúng tôi về huyện vùng sâu Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) tìm gặp người lính già Tô Đình Cắm (thường gọi là Tô Văn Cắm). Ông là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Tấm gương lớn về đức độ và hy sinh

Nhận tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chúng tôi về huyện vùng sâu Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) tìm gặp người lính già Tô Đình Cắm (thường gọi là Tô Văn Cắm). Ông là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Tuổi 91, với nhiều phen xông pha trận mạc, nếm trải bao sướng khổ đời người, nhưng rắn rỏi mấy cũng không ngăn được cảm xúc bùi ngùi trước tin vị anh cả Võ Nguyên Giáp qua đời. Người lính già Tô Đình Cắm rưng rưng nước mắt. Cẩn thận lau bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tủ thờ, ông xúc động nói: “Giờ mình đã yếu quá, nếu còn chút sức thì đã đi ngay ra Hà Nội viếng anh Văn”.

Ông Tô Đình Cắm bên bức hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Tô Đình Cắm bên bức hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong niềm xúc động tột độ, ký ức về những tháng ngày cùng tham gia cách mạng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ùa về, dù không còn cụ thể, trọn vẹn do tuổi già, ông Tô Đình Cắm nói: “Anh Văn đối với anh em chúng tôi lúc đó không chỉ là vị chỉ huy mà còn là người anh, điều gì cũng căn dặn tận tình. Sau khi tham gia đánh trận Phai Khắt, Nà Ngần và một số trận ở phía Bắc, tôi tham gia đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở nhiều chiến trường, đến năm 1954 giải ngũ. Năm 1992 gia đình chuyển vào đây (vùng kinh tế mới Đạ Tẻh) sinh sống. Từ dạo đó, tôi được gặp lại anh Văn hai lần. Lần nào, anh cũng ân cần thăm hỏi, căn dặn tôi như hồi còn ở chiến trường. Đặc biệt là lần gặp ở TPHCM, tôi và anh Văn nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày rất lâu, ôn lại nhiều kỷ niệm. Cũng lần đó, anh Văn tặng tôi chiếc áo khoác, đây là kỷ vật thiêng liêng với tôi”.

Chia tay chúng tôi, người lính già Tô Đình Cắm còn căn dặn: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tấm gương lớn về đức độ và sự hy sinh, các cháu phải biết noi theo để phấn đấu xây dựng đất nước”.

NAM VIÊN 


Vị tướng lẫy lừng

Năm 1965, tôi tình nguyện vào bộ đội, lúc đó tôi chỉ là anh lính binh nhất trẻ măng nhưng đã biết rất rõ chiến công lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau thời gian ngắn huấn luyện quân sự, một ngày cuối năm 1965, Trung đoàn 88 chúng tôi được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Cánh lính trẻ chúng tôi không khỏi hồi hộp xen lẫn tự hào vì được đi giải phóng miền Nam. Chiều hôm ấy, trời mưa tầm tã, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn mặc áo mưa lặn lội đến tận ga xe lửa Hương Canh, tỉnh Phú Thọ để tiễn chúng tôi lên đường. Ông đến bắt tay từng người rồi dặn dò hãy giữ gìn sức khỏe và cố gắng lập nhiều chiến công… Ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thân thương của người cha khiến chúng tôi nhớ mãi không quên. Sau này, suốt chặng đường hành quân vượt Trường Sơn vào đến chiến trường Tây Nguyên, rồi Nam bộ… từ đó, hình ảnh vị tướng lừng danh mà rất đỗi gần gũi giản dị cứ theo mãi chúng tôi và trở thành nguồn sức mạnh diệu kỳ động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, Trung đoàn 88 chúng tôi đã lập được nhiều chiến công vang dội và đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thuyết minh về nỗi đau da cam.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thuyết minh về nỗi đau da cam.

Sau ngày giải phóng miền Nam ít lâu, năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi được lệnh từ Nam ngược ra Bắc chỉ huy một cánh quân bảo vệ biên giới. Lúc này tôi đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 756 thuộc Quân khu Thủ đô. Trước khi lên đường, tôi vinh dự được gặp Đại tướng lần thứ hai. Lần này vẫn với phong thái hồn hậu giản dị năm xưa, Đại tướng đến bắt tay từng người và hỏi thăm sức khỏe chúng tôi rồi ân cần dặn dò bộ đội cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tháng 7-2000, trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã đến nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội để chúc mừng ông. Sau khi trò chuyện thân mật, tôi mời Đại tướng vào thăm Trường Quân chính Quân khu 7 (nay là trường Quân sự Quân khu 7) mà tôi đang làm Hiệu trưởng. Đại tướng vui vẻ nhận lời và ít lâu sau ông vào Nam thăm trường như đã hứa. Ông trực tiếp đến thăm nơi ăn, chốn ở của học viên, quan sát cách dạy và học của nhà trường rồi dặn dò học viên phải học tập tốt để nâng cao kiến thức an ninh quốc phòng, tích cực rèn luyện quân sự để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2010, khi tôi đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (tháng 10-2010), tôi tranh thủ đến thăm Đại tướng, lúc này sức khỏe ông đã yếu nhưng ánh mắt vẫn sáng ngời và thân thương, hồn hậu. Ông ký tên tặng tôi cuốn sách “Xoa dịu nỗi đau da cam” như dặn tôi hãy chăm lo tốt đời sống các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, vì họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo và khổ nhất trong những người khổ của xã hội. Tình cảm của Đại tướng đã thôi thúc tôi tiếp tục tiến lên phía trước một cách không biết mệt mỏi. Nay nghe tin Đại tướng ra đi về cõi vĩnh hằng tôi không khỏi hụt hẫng, đau xót… Là người suốt đời đi theo con đường binh nghiệp, với tôi Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là vị Tư lệnh của các tư lệnh và Chính ủy của các chính ủy, hơn thế ông còn là một danh tướng xuất sắc mà cả thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ.

MINH NGỌC (ghi)
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ
(nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7)

Thông tin liên quan

>> Hàng ngàn người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

>> Võ Nguyên Giáp - Một hiện tượng chưa từng có!

Tin cùng chuyên mục