Tâm tình của những công dân trẻ

Trong dịp Đảng bộ TPHCM tiến hành Đại hội lần thứ X, nhiều bạn trẻ đã gửi về Báo SGGP những tâm tình và góp ý tâm huyết về việc giáo dục, định hướng cho lớp trẻ và chăm lo những vấn đề dân sinh. Báo SGGP trân trọng trích giới thiệu một số ý kiến.
Tâm tình của những công dân trẻ

Trong dịp Đảng bộ TPHCM tiến hành Đại hội lần thứ X, nhiều bạn trẻ đã gửi về Báo SGGP những tâm tình và góp ý tâm huyết về việc giáo dục, định hướng cho lớp trẻ và chăm lo những vấn đề dân sinh. Báo SGGP trân trọng trích giới thiệu một số ý kiến.

Nữ thanh niên quận 10 tham gia hoạt động kêu gọi người dân giữ gìn văn minh đô thị. Ảnh: Việt Dũng

* TRẦN KIỀU MY (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn): Đưa phong trào thanh niên tình nguyện đi vào chiều sâu

Trong những năm gần đây, các cán bộ Đoàn TNCS và Hội Sinh viên tại TPHCM quan tâm tổ chức vận động các sinh viên, học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện. Qua đó, tạo điều kiện cho các công dân trẻ đóng góp công sức của mình chăm lo cho cộng đồng. Điều này thật đáng trân trọng. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đáng mến của các thanh niên tình nguyện trong màu áo xanh quen thuộc. Đặc biệt, sự tiếp sức của các sinh viên tình nguyện hỗ trợ đắc lực cho nhiều thí sinh trong việc tìm nơi trọ, hướng dẫn đường đến các điểm thi, lo cơm nước miễn phí…, đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng xã hội. Ngoài ra, các bạn học sinh, sinh viên đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện rất có trách nhiệm ở các địa phương, như: thu dọn rác, chăm sóc người già tại các khu dưỡng lão, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dạy học cho trẻ, thăm và chăm sóc những mảnh đời bất hạnh… Những hoạt động này có ý nghĩa dân sinh và nhân văn.

Tuổi trẻ chính là tương lai của một đất nước. Do vậy, sự tiến bộ của tương lai đất nước dựa vào sự tiến bộ trong năng lực, tình cảm và nhận thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Để đáp ứng yêu cầu phát triển TPHCM, phát triển đất nước, Đảng bộ và chính quyền TPHCM nên tiếp tục chăm chút, tạo điều kiện cho lớp trẻ nâng cao trình độ tri thức và tham gia các hoạt động xã hội một cách nhiệt tình và có trách nhiệm, khuyến khích Đoàn TNCS và Hội Sinh viên đưa phong trào thanh niên tình nguyện đi vào chiều sâu. TPHCM thực sự là thành phố nghĩa tình khi các đội nhóm thiện nguyện của thanh niên được tạo điều kiện nhân rộng, giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, mang niềm vui đến cho nhiều trẻ em thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Đó cũng là cơ hội để các học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng sống.

* PHƯƠNG UYÊN (quận 9, TPHCM): Quy hoạch giáo dục để giảm thất nghiệp

So với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, TPHCM là thành phố hiện đại, năng động và mở ra nhiều cơ hội để lớp trẻ phấn đấu vươn lên trong học tập, công việc và cuộc sống. Ở TPHCM, học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận những chương trình học mới, có môi trường vừa chơi vừa học, có cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân và tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện còn quá nhiều cơ sở đào tạo tràn lan có chất lượng dạy và học chưa đảm bảo, nặng về lý thuyết. Đó là nguyên nhân tạo ra một bộ phận trí thức trẻ khiếm khuyết về năng lực, kỹ năng sống. Sự buông lỏng công tác quản lý và quy hoạch giáo dục đã dẫn đến tình trạng TPHCM đang thừa thầy thiếu thợ, nhiều sinh viên bị thất nghiệp khi ra trường. Để khắc phục tình trạng đó, các trường trung cấp, trường nghề ở TPHCM cần được quy hoạch mang tầm quốc gia, đào tạo theo nhu cầu, được thực hành kỹ năng nghề bài bản, như vậy mới có thể thu hút được học viên trẻ, tạo nguồn lao động trẻ có năng lực, đáp ứng nhu cầu xã hội, phân bổ lao động một cách đồng đều, giảm thất nghiệp.

Một vấn đề nữa cần được quan tâm chấn chỉnh là chất lượng sống của giới trẻ. Ở khu vực các trường đại học, nơi tập trung nhiều sinh viên, đồ ăn thức uống chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá thuê phòng trọ gần các trường đại học vẫn tăng nhanh vào dịp đầu năm học, chi phí điện nước đắt đỏ... TPHCM đã có chương trình vận động bình ổn giá cho thuê phòng trọ, mong rằng chương trình này sẽ được tiếp tục, vận động thêm được nhiều chủ nhà trọ tham gia và có quy định cụ thể về giá điện, nước đối với nhà trọ, để đảm bảo sinh viên trọ học có thể ổn định cuộc sống và học tập.

* ĐÌNH MẠNH (quận 7, TPHCM): Chăm lo đời sống tinh thần của thanh niên công nhân

Do công việc không ổn định, đời sống bấp bênh với đồng lương ít ỏi, nhiều thanh niên công nhân ở TPHCM hiện nay phải sống trong cảnh thiếu thốn vật chất và tinh thần. Do đặc thù công việc quanh năm suốt tháng chỉ ở trong xưởng, nhà máy, trở về nơi ở khi trời đã tối, tranh thủ ăn qua loa, nghỉ ngơi để ngày mai làm việc, vì thế họ không còn thời gian để giao lưu, giải trí. Nhiều nam thanh niên công nhân sa vào chuyện nhậu nhẹt sau giờ lao động.

Ngoài ra, cuộc sống xa quê nhà và gia đình, thiếu thốn tình cảm, khiến tình yêu của thanh niên công nhân thường diễn ra vội vàng, chóng vánh. Tại các khu nhà trọ công nhân, dễ gặp các cặp chưa cưới hỏi, chỉ quen trong thời gian ngắn đã dọn về ở, góp gạo thổi cơm chung. Có những cuộc tình đi đến hồi kết, thành vợ thành chồng, nhưng cũng có rất nhiều cuộc chia tay, mà người chịu thiệt thòi vẫn là những nữ thanh niên công nhân.

Do vậy, rất mong thành phố quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân ở các khu công nghiệp, nhất là công nhân nữ. Cần tạo thêm nhiều sân chơi, câu lạc bộ sinh hoạt cho các thanh niên công nhân.

* TRẦN THANH NGỌC (Công ty In Đỉnh Cao, quận Bình Tân, TPHCM): Nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị

Trong nhiều năm qua, TPHCM đã có sự đầu tư rất lớn phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Bộ mặt thành phố khang trang, hiện đại hơn, qua đó góp phần thiết thực cải thiện đời sống của cư dân. Tuy nhiên, việc chống ngập ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố vẫn chưa mang lại hiệu quả, lãng phí nguồn ngân sách. Điển hình như khu vực đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), mỗi khi trời mưa, người dân lại phải lo lắng, sợ cảnh ngập nước, xe chết máy không đi làm và đưa con đi học được. Dân giàu thì nước mới mạnh, nhưng công ăn việc làm của người dân và việc học hành của con em luôn bị ảnh hưởng vì đường ngập. Rất mong thành phố kiểm tra đôn đốc để chống ngập hiệu quả hơn.

Còn nhiều bất cập khác trong việc xây dựng và quản lý đô thị tại TPHCM, như đường xuống hầm chui Tân Tạo thường xuyên xảy ra tai nạn do không có luồng phân cách hợp lý. Khu vực dưới hầm chui không có bố trí chốt dân phòng trực gác, nên đến ngày công nhân lãnh lương thường xuyên xảy ra nạn cướp giật tại địa điểm này. Xung quanh khu vực đường Trần Văn Giàu và quốc lộ 1A quanh Công ty Pouyuen không có chợ dành cho người lao động, nên dần hình thành các chợ tự phát, gây tắc nghẽn giao thông.

Tin cùng chuyên mục