Tận diệt tài nguyên khoáng sản. Bài 2: “Móc ruột” sông, núi tìm vàng

Hiện trạng đào đãi vàng diễn ra hầu như phổ biến ở huyện miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung. Chúng tôi đã đến một trong số “thủ phủ vàng” nổi tiếng bấy lâu nay là Phước Sơn (Quảng Nam), nơi có hàng trăm bãi đào đãi vàng trái phép cùng số người tham gia lên đến hàng ngàn người.

Hiện trạng đào đãi vàng diễn ra hầu như phổ biến ở huyện miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung. Chúng tôi đã đến một trong số “thủ phủ vàng” nổi tiếng bấy lâu nay là Phước Sơn (Quảng Nam), nơi có hàng trăm bãi đào đãi vàng trái phép cùng số người tham gia lên đến hàng ngàn người.

  • “Phủ sóng” bãi vàng

Từ Đà Nẵng, vượt 140km đường đèo dốc quanh co là đến thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) - “thủ phủ” của vàng sa khoáng. Tại Phước Sơn, các bãi vàng sa khoáng trái phép mọc lên nhan nhản. Đường vào bãi vàng hiểm trở, tôi phải nhờ một anh bạn đồng nghiệp công tác tại Đài PT-TH huyện - người nắm rõ từng bãi vàng, từng chủ hầm vàng tại đây - làm hướng dẫn viên cho chuyến đi.

Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi rẽ theo đường dọc dòng Dak Sa (xã Phước Đức) để đến các bãi vàng sa khoáng. Dọc trên đoạn đường dài 10km, tiếng máy nổ xình xịch vang lên khắp nơi. Anh bạn đồng nghiệp giải thích, đó là tiếng máy nổ chạy máy bơm cao áp dùng để sục vào núi để “rửa” quặng vàng từ lòng đất. Băng qua con sông Dak Sa với đầy rẫy những hầm vàng đã khai thác xong, chúng tôi tìm đến một hầm vàng do một nhóm người Nam Định đang khai thác tại thôn 4, xã Phước Đức.

Đến bãi vàng, một nhóm công nhân khoảng 15 người đang dùng vòi bơm cao áp phun vào đất để rửa đất bám trong đá. Sau đó, số đất này được hút đẩy lên giàn mán tuyển quặng bằng một máy bơm lớn.

Khi thấy chúng tôi đến, nhóm công nhân vẫn ung dung làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có ông Đồng Văn Năm (46 tuổi, quê Nam Định) đến nói chuyện và cho biết là người quản lý bãi vàng này cho ông Đồng Văn Khánh (em ruột ông Năm) - người có hộ khẩu tại xã Phước Đức. Bãi vàng này có được do ông Đồng Văn Khánh mua lại rẻo đất rộng chừng 200m² của người dân địa phương với giá 3,5 triệu đồng rồi nhờ ông Năm đưa máy móc và người từ Nam Định, Nghệ An… vào để khai thác vàng.

Chúng tôi tiếp tục lên đường tìm vào bãi Vàng Nhẹ. Để vào Vàng Nhẹ phải thuê xe ôm hết 1 triệu đồng/người, mất 1 giờ đồng hồ đi xe Mink 125cc - bánh xe bọc xích vượt đèo dốc quanh co, có những con dốc “cằm chạm ghi-đông”, thêm lội bộ 4 giờ đồng hồ mới đến Vàng Nhẹ.

Tại đây, khác với cảnh làm “thủ công” trên dòng Dak Sa, việc khai thác diễn ra rầm rộ và bằng máy móc hiện đại. Trên bãi có khoảng 100 công nhân đang làm việc. Nhìn cảnh này, người ta nghĩ đó là một đại công trường chứ không ai dám nghĩ đó là bãi vàng khai thác trái phép. Không chỉ ở Phước Đức, tình trạng khai thác vàng trái phép một cách ồ ạt còn diễn ra tại xã Phước Hiệp, Phước Chánh, Phước Thành, Phước Hòa…

  • Móc ruột sông Đakrông 

Dọc dòng Đakrông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn chảy qua các xã Đakrông, A Vao, Tà Long, A Bung của huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) những ngày này đi đâu cũng bắt gặp cảnh “phu vàng” (chủ yếu là người Vân Kiều) với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thau đãi... mải mê đào bới tìm vàng.

Ông Hồ Văn Thanh, Trưởng Công an xã Đakrông cho biết, nạn khai thác vàng sa khoáng thời gian qua diễn ra rất phức tạp trên sông Đakrông, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông mà còn dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.

Tháng trước tại mép sông Đakrông, đoạn qua thôn Pa Tầng, xã Đakrông xảy ra vụ sập hầm đào vàng hàm ếch dài gần 10m, sâu trên 3m. Vụ tai nạn đã làm chết chị Hồ Thị Lơm (27 tuổi), ở thôn Pa Tầng, 3 người bị thương nặng là Hồ Văn Thể (40 tuổi) ở thôn Pa Tầng và Hồ Văn Pháp (27 tuổi), Hồ Văn Liên (22 tuổi) cùng ở thôn Xa Lăng, xã Đakrông.

  • Chính quyền... bất lực 

Trong vòng 6 tháng qua, Công an huyện Đakrông đã tổ chức gần 30 đợt truy quét để đẩy người khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn, phá hủy hơn 20 máy khai thác vàng… Song việc truy quét này chẳng mấy hiệu quả. Để tránh sự “nhòm ngó” của ngành chức năng và chính quyền địa phương, phu vàng chủ yếu sử dụng những chiếc mâm làm bằng thiếc rồi đãi cát, sỏi để tìm vàng, thời gian khai thác chủ yếu vào buổi chiều tối và rạng sáng. Khi lực lượng chức năng tổ chức truy quét thì những tay “chủ vàng” chạy sang các xã kế bên ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế trú ẩn. Ngược lại ở A Lưới truy quét thì chúng lại về Quảng Trị.

Ông Đinh Văn Đông, Chủ tịch xã Phước Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) - thừa nhận, do lực lượng mỏng, kinh phí không có cộng với thông tin của các chủ hầm vàng rất “nhạy” nên việc quản lý, truy quét “vàng tặc” trên địa bàn gặp khó khăn. Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao chính quyền xã không quản lý nhân khẩu chặt chẽ, nếu phát hiện người không có tạm trú, tạm vắng thì đẩy đuổi ra khỏi địa phương thì ông Đinh Văn Đông giải thích như hỏi lại: “Họ đến đây có báo với mình đâu mà biết?”.

Ông Hoàng Đình Nhất, Phó phòng TN-MT huyện Phước Sơn thì cho rằng, việc tồn tại các bãi vàng nhan nhản như hiện nay là do chính quyền cơ sở yếu kém trong quản lý và bất hợp tác với chính quyền cấp huyện. Sau khi các đoàn kiểm tra của huyện tiến hành truy quét, lập biên bản xử phạt hành chính, đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi địa bàn và bàn giao lại cho địa bàn xã quản lý thì mọi chuyện trở lại như cũ. Ông Nhất cũng cho biết, có những chuyến đoàn truy quét đến nơi thì “vàng tặc” đã trốn vào rừng vì thông tin chuyến truy quét bị lộ từ trước. 

N.KHÔI - N.THẢO - V.THẮNG

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Hiểm họa khai thác titan

Tin cùng chuyên mục