Tận diệt tài nguyên khoáng sản

Bài 1: Hiểm họa khai thác titan

Cuộc sống đảo lộn

Đã hơn 20 năm nay cơn lốc vàng sa khoáng đã triền miên khuấy đảo làm đỏ rực sông suối vùng Tây các tỉnh duyên hải miền Trung. Chất độc xianua, ma túy, mãi dâm, đâm chém, sập hầm... từ các bãi vàng cứ âm ỉ tồn tại làm băng hoại xã hội. Còn về phía biển, cơn “bão đen” khai thác titan trong vòng hơn 5 năm qua đã xóa sổ hàng trăm bãi biển, rừng dương. Tiếp đến, phong trào xuất khẩu cát trắng, tận thu cát vàng làm các dòng sông miền Trung biến dạng. Cách thức làm kinh tế theo kiểu tận diệt tài nguyên khoáng sản đã gây hậu quả khôn lường.

Cuộc sống đảo lộn

Tại huyện Phù Mỹ (Bình Định), nơi có 20 dự án khai thác, thăm dò titan, việc khai thác diễn ra rầm rộ như một đại công trường đang thi công. Hệ quả tất yếu là hàng loạt cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất ven biển tại các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng… đang dần bị khai tử, chỉ còn lại những hố cát sâu từ 20m đến 30m, chứa những bè hút cát, giàn lọc titan. Chị Đinh Thị Mai (thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành), cho biết: 30 năm qua, cánh rừng phòng hộ ven biển là thần hộ mệnh cho làng vì đã che cát, chắn gió và ngăn biển xâm thực vào đất liền. Nhưng từ khi Công ty TNHH thương mại Ánh Vi khai thác titan, những cánh rừng này dần bị đốn hạ. Trong tương lai nhất định đất sẽ bị sụt lún, nhà chúng tôi sẽ bị biển nuốt. Cả khu vực Vĩnh Lợi này như một bán đảo, khi phá hủy rừng phòng hộ biển sẽ lấn vào đất liền! Bức xúc vì nạn khai thác titan, nhiều lần người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ An… bất đắc dĩ phải phạm tội do đập phá tài sản của doanh nghiệp khai thác titan hay tụ tập phản đối trước trụ sở UBND huyện, chặn xe trên quốc lộ 1A.

Tháng 9-2010, tại Phong Hải và Điền Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) giữa cái nắng khô rát nhưng việc khai thác titan của Công ty TNHH Hiếu Giang vẫn nhộn nhịp như một đại công trường. Ông Nguyễn Hùng, công nhân chuyên khai thác titan ở xã Điền Hải, cho biết hàng ngày đơn vị phải huy động hết công suất máy để khai thác titan, bình quân mỗi ngày khai thác được khoảng 60 tấn. Hố khai thác sâu từ 20-30m, nhưng lượng nước ở đây bị hụt liên tục, nhiều lúc đơn vị phải bơm nước ngầm trong lòng đất để tuyển titan… Ông Cao Hữu Lâu, cán bộ địa chính xã Điền Hải, nói thêm: Tại xã Điền Hải, đơn vị này được cấp phép khai thác 60 ha trong vòng 3 năm từ 2009-2011, nhưng có đơn vị nào giám sát. Do vậy đã xảy ra tình trạng khai thác ồ ạt phá vỡ môi trường ở vùng cát.

Từ Thừa Thiên - Huế nhìn ra Quảng Trị, các xã ven biển hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, những dải rừng phòng hộ chắn sóng, gió ven biển bị đào bới, san phẳng thành bình địa, ruộng đồng bị sa mạc hóa do khai thác titan. Dừng chân bên cánh đồng bị cát xâm chiếm do việc khai thác titan của Công ty TNHH Hiếu Giang, ông Lê Thanh Hùng (66 tuổi, thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ huyện Gio Linh) tâm tư: Cánh đồng này trước đây rộng lắm, tít tắp tầm mắt, đã nuôi sống bao thế hệ người dân làng tui. Nhưng từ ngày họ khai thác titan đất trở nên khô cằn do bị hút hết nước, cát lấn chiếm cây cối không tài nào sống nổi.

Ai hưởng lợi?

Theo phòng Quản lý khoáng sản Sở TN-MT tỉnh Bình Định, tổng diện tích do Bộ TN-MT cấp phép khai thác titan tại huyện Phù Mỹ và Phù Cát lên đến 945ha; tổng diện tích do UBND tỉnh Bình Định cấp phép hơn 360ha. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cấp 28 giấy phép khai thác, thăm dò, tận thu titan tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). Mặc dù việc khai thác titan đang diễn ra rầm rộ, nhưng khi chúng tôi đề cập đến nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng đó là vấn đề nhạy cảm. Tại các cuộc họp HĐND tỉnh Bình Định, khai thác titan đã trở thành một vấn đề nóng được nhiều đại biểu chất vấn. Hầu hết những đơn thư kêu cứu, tố cáo của người dân đều lo ngại ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại khu vực khai thác titan nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết. Theo Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn đều có giấy phép nhưng khi hoạt động lại không thực hiện như yêu cầu đề ra.

Bình Định có khoảng 30 doanh nghiệp đầu tư khai thác và xuất khẩu titan, sản lượng đăng ký là 620.000 tấn tinh quặng/năm. Tuy nhiên, phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ, công nghệ khai thác lạc hậu, nên titan chủ yếu chỉ được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị kinh tế rất thấp. Theo dự báo, khoảng 10 - 15 năm nữa, trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn sa khoáng ở Bình Định sẽ hoàn toàn cạn kiệt. Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Định bức xúc: “Chỉ tính riêng năm 2009, sản lượng titan khai thác tại Bình Định theo báo cáo của các doanh nghiệp khoảng 400.000 tấn. Với lượng titan này, các doanh nghiệp bỏ túi khoảng 700 tỷ đồng, nhưng ngân sách tỉnh thu vào chưa được 100 tỷ đồng”.

Để chấn chỉnh lại trật tự trong khai thác, chế biến titan, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, xem xét lại việc cấp giấy phép mới và đảm bảo quy hoạch khai thác chế biến titan đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở những địa phương giàu titan như Bình Định, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế...

Hoàng Trọng - Phan Lê

Tin cùng chuyên mục