Để xây dựng thành phố văn minh hiện đại, sánh vai cùng các đô thị lớn trong khu vực và thế giới, TPHCM đang đặc biệt quan tâm việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, vấn đề phát triển không gian ngầm đô thị đang được đặt ra một cách cấp bách.
Phát triển tương ứng chất lượng cuộc sống
Theo các chuyên gia, khi GDP đầu người ở một nước đạt 500 USD, đã có điều kiện phát triển không gian ngầm; khi đạt mức 1.000 USD có thể bắt đầu đi vào giai đoạn quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị; khi đạt tới 3.000 USD, giá đất đô thị tăng cao, nên việc phát triển không gian ngầm đô thị đã chín muồi và tiến tới cao trào. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện đã vượt quá 1.000 USD, do vậy đã đến thời điểm đặt ra vấn đề quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị. Ngoài ra, khi dân số tăng cao, đường giao thông trên mặt đất quá tải, gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường về tiếng ồn và bụi bặm, càng cần phải khai thác không gian ngầm để bảo đảm cho cuộc sống của người dân yên lành hơn.
Ở nước ta trong hai cuộc kháng chiến, tại nhiều vùng đã xuất hiện hệ thống địa đạo, như Nam Hồng ở ngoại thành Hà Nội, Củ Chi ở ngoại thành Sài Gòn, Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh… Để đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, tại thủ đô Hà Nội đã xây dựng nhiều công trình ngầm sâu dành cho các cơ quan chỉ huy chiến đấu của Trung ương và của Hà Nội. Như vậy, nhân dân ta đã sớm tận dụng không gian ngầm vào mục đích chiến đấu. Công trình thủy điện Hòa Bình có không gian ngầm rộng lớn cũng chủ yếu là nhằm tăng khả năng phòng không.
Yêu cầu cao về kiến thức, kỹ thuật, vốn
Ngày nay, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM phát triển mạnh mẽ và gặp phải những vấn đề có liên quan đến sức tải đô thị như các thành phố lớn khác trên thế giới, chính quyền các thành phố này đã cùng với các chuyên gia quy hoạch và các nhà kinh doanh bất động sản hướng tới tận dụng khai thác không gian ngầm, bằng cách xây dựng các tòa nhà có nhiều tầng hầm và móng cọc sâu, đồng thời phát triển các tuyến đường bộ và đường sắt ngầm dưới đất, cùng với các hầm chứa xe ngầm.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, TPHCM có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng dưới lòng đất. Cụ thể là 7 tuyến tàu điện ngầm (khoảng hơn 60km đi ngầm); hệ thống bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư... Dự kiến đến năm 2015, 100% lưới điện khu vực trung tâm sẽ đi ngầm dưới đất. Hệ thống đường cáp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông cũng sẽ được xây dựng ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị. Hệ thống cáp ngầm này hiện đang được thực hiện vì thi công đơn giản, nằm sát mặt đất. Còn các tuyến đường ngầm dành cho xe điện, xe buýt, bãi đậu xe, trung tâm thương mại nằm ở nhiều độ sâu khác nhau đến hàng trăm mét, nên cần được bảo đảm bằng những công trình xây dựng kỹ thuật cao mang tính quốc tế. Ngày 28-8-2012, Ban Quản lý đường sắt khởi công xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài hơn 20km, trong đó có khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga). Sau hầm vượt sông Sài Gòn, đây là công trình ngầm có quy mô lớn được đầu tư xây dựng tại TPHCM.
Dĩ nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án công trình ngầm đầu tiên đòi hỏi lớn về kiến thức, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch, pháp lý và phương thức huy động vốn. Mới đây, Ủy ban MTTQ TPHCM đã tổ chức hội nghị để tiếp nhận các ý kiến góp ý cho đồ án thiết kế quy hoạch đang được nhiều người quan tâm là phát triển không gian ngầm đô thị theo mô hình của các thành phố lớn trên thế giới như Mátxcơva (Nga), Paris (Pháp), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore… Đồ án này do Công ty Nhật Bản Nikken Sekkei thực hiện, phát triển không gian ngầm đô thị bao gồm các tuyến đường xe điện ngầm, nhà ga, trạm xe buýt, bãi giữ xe và có cả các trung tâm thương mại, siêu thị nằm dưới lòng đất.
Để phát triển không gian ngầm đô thị, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi là một cách làm cẩn trọng, thể hiện tinh thần cầu thị. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết như có đầy đủ hệ thống khung pháp lý về khai thác không gian ngầm, có dữ liệu chia sẻ công trình ngầm, không gian ngầm. Việc quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển không gian ngầm đô thị cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các chuyên gia, các nhà khoa học.
Vương Liêm