Tản mạn thềm xuân

Tản mạn thềm xuân
Ảnh: THÁI BẰNG

Ảnh: THÁI BẰNG

Nếu “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, tháng thảnh thơi la đà với những bước đi tung tẩy khoan thai thì những tháng cuối năm bao giờ cũng đồng hành với sự vội vã, gấp gáp. Đây là chặng đường của những bước chạy tăng tốc để về đích cho kịp thời gian, kịp những cái mình dự định.

Đây cũng là thời gian kết thúc mọi thứ trong hoàn hảo hầu mong có được sự trọn vẹn, có được cảm hứng sung sướng bước vào năm mới với tất cả niềm hứng khởi và lạc quan mới.

Ai cũng rất sợ khi năm cũ đi qua, năm mới đến mà mọi thứ vẫn còn dang dở để rồi trì nặng một nỗi niềm còn đó sự chông chênh, còn đó sự thất bại, còn đó một tâm trạng thiếu tự tin vào chính mình.

Để mớ bòng bong đó không còn bám đuôi ta nữa khi một trang đời mới mở ra được ghi dấu bằng việc bước vào xuân mới, con đường duy nhất là bằng mọi giá hoàn tất những gì đã hoạch định trong năm.

Đây không chỉ là ước muốn mà còn là mệnh lệnh. Mệnh lệnh của con tim. Mệnh lệnh của thời gian. Mệnh lệnh của tương lai.

Những ngày cuối năm cũng là những ngày luôn đối mặt với bao cam go thách thức.

Ở những vùng quê xứ Bắc đây là thời điểm cao trào của những đợt gió mùa Đông Bắc căm căm giá buốt với sương muối kinh người sẵn sàng xóa sổ mọi màu xanh cây lá. Trong khi đây lại là mùa gieo trồng của dân ta. Tôi nhớ mãi những ngày cuối đông một năm vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Trời lạnh đến mức cây cau gần trăm tuổi nhà tôi bị chết đứng. Góc ao nhà tôi cứ sáng sáng lại vớt được không ít những con cá bị chết giá.

Ấy vậy mà bố mẹ tôi đã ở tuổi gần 70 vẫn sáng sáng ra đồng cùng bà con xã viên chạy đua với thời gian cho kịp vụ đông - xuân. Bố tôi kéo bừa thay trâu. Mẹ tôi lội ruộng cấy lúa. Bao nam thanh, nữ tú trong làng ngày đó đều đã hăm hở “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Còn tôi trước khi đến trường dù trời có lạnh mấy cũng mặc quần cộc lội ven ao, một chân đứng, một chân vảy nước lên tưới cho tan giá vườn cải bắp đang vào thời cuộn chắc. Giờ nghĩ lại vẫn còn ấn tượng.

Cuối năm cũng là lúc ta nhận ra rõ nhất sự đối nghịch giàu nghèo nơi những thành phố đô hội phồn hoa như Sài Gòn - TPHCM. Có người bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua hoa, kiểng chưng tết không cần tính toán. Trong khi có người 30 Tết muốn mua cho con một tấm áo mới cũng phải chau mày.

Có gia đình bữa tất niên bày bàn nọ tiệc kia, rượu bia xả láng, đồ ăn thức uống thừa chan chứa mứa man, trong khi không ít nhà đêm trừ tịch vẫn tắt đèn ngủ kỹ không biết giao thừa là gì.

Bao người tấp nấp trong những bộ quần áo sang trọng đủ kiểu, đủ mốt ung dung trên những chiếc xe hai bánh, bốn bánh hiện đại rủ nhau đi hái lộc, đi chơi tết thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời suốt 3 ngày tết vẫn phải ưu tiên cho kế sinh nhai.
 
Trong khi những cậu ấm, cô chiêu xúng xính với những bộ quần áo sặc sỡ, tay trong tay cùng cha mẹ đến những khu vui chơi tùy thích thì thỉnh thoảng ta vẫn gặp những thân phận tuổi thơ lặng lẽ với manh áo bạc đơn sơ đi đánh giày, bán vé số, nhặt phế liệu, đêm về tá túc nơi gầm cầu xó chợ, co ro trong giấc ngủ chập chờn.

Cả thành phố từ nhiều năm nay đã và đang chung tay xóa đói giảm nghèo, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện phong phú mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mong sao có nhiều hơn nữa những “mái ấm”, những “nhà mở”, những chương trình “Cây mùa xuân”, “Giúp bạn nghèo vui tết”; những tấm lòng hảo tâm cao cả để những cánh chim non cơ nhỡ, kém may mắn kia sẽ cảm thấy ấm áp, vui tươi trong dịp Tết Tân Mão này. 

NGUYỄN NGỌC KÝ

Tin cùng chuyên mục