Tan nát bờ sông Sài Gòn

Tan nát bờ sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn đã vẽ nên bức tranh đô thị của TPHCM thật đẹp. Bên này là khu đô thị cũ, phía bên kia sẽ là khu đô thị mới; sự phát triển đô thị của TP luôn có sự hiện diện của dòng sông Sài Gòn với nét nên thơ và hồn phố. Thế mà bờ sông Sài Gòn đoạn qua quận 2 đã bị phá nát - như báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh.

  • Lấn sông, mạnh ai nấy làm!
Tan nát bờ sông Sài Gòn ảnh 1

Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức đang xây dựng bờ kè  dọc sông Sài Gòn phường Bình An, quận 2.
Ảnh: T.T

Đoàn kiểm tra thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP gồm Sở Tài Nguyên-Môi trường, Sở Giao thông-Công chính, Khu Đường sông và UBND quận 2. Khu vực kiểm tra dọc theo bờ sông từ phường Bình An đến phường Thảo Điền, khoảng 5km, nơi các dự án kinh doanh nhà ở đang triển khai như xây bờ kè, hoặc xây nhà ở.

Sau khi đi thực địa, so sánh với các văn bản pháp lý đoàn kiểm tra nhận định: Hầu hết các công ty đã xây dựng hàng rào trái phép bao chiếm toàn bộ hành lang bờ sông, các bờ kè đều xây nhô ra sông từ vài mét đến vài chục mét, đặc biệt có trường hợp còn xây biệt thự ra sát mép sông! Cụ thể, Công ty TNHH Hải Vương xây dựng bờ kè lấn ra ngoài ranh giao đất 1,1 ha; Công ty TNHH kinh doanh nhà Đức Minh xây dựng công trình vi phạm khoảng lùi hành lang bảo vệ sông; Công ty TNHH Lê Quan xây dựng tuyến kè lấn ra phía sông tại phường Bình An quận 2 trên 4m.

Khá bất ngờ là việc lấn sông của Công ty Lê Quan từ nhiều năm trước đây tuy chưa được UBND quận 2 xử lý thì giữa năm 2005, UBND quận 2 có văn bản cho là phù hợp khi Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức xây dựng tuyến kè nối thẳng với phần lấn ra của Công ty Lê Quan. Điều đáng quan ngại hơn, dọc theo tuyến sông, nhiều nơi các công trình bờ kè nhô ra sông đã tạo nên những con nước xoáy khá nguy hiểm và gây sạt lở khá trầm trọng ở các vùng đất lân cận.

  • Giải quyết theo hướng nào?

Theo quy định, trên tuyến sông Sài Gòn việc xây dựng công trình nằm dọc theo bờ sông phải lùi vào 50m, chủ đầu tư xây bờ kè phải đúng kích thước, làm công viên cây xanh và bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý, nhưng đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện. Đương nhiên việc lấn sông đã đem lại cho các công ty rất nhiều đất để làm nhà ở, chẳng hạn Công ty Huy Hoàng được 1,7 ha, Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức được trên 5.400m2…

Mà ai cũng biết, đất của quận 2 là tấc đất tấc vàng, rõ ràng các chủ đầu tư đã kiếm bạc tỷ trong việc lấn sông này. Còn việc xử lý của các cơ quan chức năng thì không tới nơi tới chốn. Chẳng hạn, Thanh tra Sở Xây dựng đã có quyết định đình chỉ xây dựng Công ty TNHH kinh doanh nhà Đức Minh vì xây dựng công trình vi phạm khoảng lùi hành lang bảo vệ sông Sài Gòn theo quy định tại Công văn 53/KTS.ĐB2 ngày 3-1-2003 của Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.

Trong khi trước đó, công ty này cũng đã bị UBND quận 2 lập biên bản xử phạt và đình chỉ xây dựng nhưng không hiểu tại sao các căn biệt thự, bờ kè vẫn tiếp tục được thi công để hoàn thành. Hoặc Sở Quy hoạch-Kiến trúc lại ban hành văn bản cho phép Công ty Huy Hoàng hợp thức hóa việc lấn chiếm trên…

Còn nhớ, ngày 10-7-1998, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 123/1998/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2020", căn cứ trên quyết định này, UBND TPHCM cũng có Quyết định số 6577/QĐ-UB-QLĐT ngày 7-12-1998 về quy hoạch xây dựng cho quận 2.

Trong đó xác định quận 2 với vị trí cửa ngõ của TP tiếp cận với các quận trung tâm qua sông Sài Gòn nên tổ chức không gian kiến trúc của quận phải thể hiện được tính chất bộ mặt mang tính thẩm mỹ cao, hiện đại gắn kết hài hòa với khu vực trung tâm TP. Đất ven sông Sài Gòn và các kênh rạch lớn như Giồng Ông Tố, Rạch Chiếc, Bà Cua cần quản lý chặt chẽ, không để tình trạng xây dựng nhà cửa, công trình… lấn chiếm; đảm bảo công trình xây dựng cách mép nước tối thiểu không dưới 50m.

Theo đó hành lang đường sông cũng được quy hoạch thành công viên cây xanh và đường giao thông để cư dân ra thư giãn, thưởng ngoạn cảnh sông nước. Tuy nhiên, đến nay, những hành lang tuyến sông và các quy hoạch đang dần bị phá vỡ. Như vậy, nếu không xử lý trách nhiệm của các cơ quan chức năng, và bắt buộc phải khôi phục nguyên trạng thì trong tương lai gần nhà nước phải tốn rất nhiều tiền để giải tỏa, khôi phục hành lang bờ sông Sài Gòn!

Trần Thanh

Tin cùng chuyên mục