Như một điệp khúc, tại TPHCM, cứ vào mùa kinh doanh cuối năm là vỉa hè lại bị xới tung, tạo ra cảnh nhếch nhác, bụi bặm và kẹt xe khắp nơi. Nhiều đoạn vỉa hè chỉ mới làm cách nay 2 - 3 năm, nay đã “nát như tương”.
Nhìn từ một con đường
Đi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 và quận 3) ai cũng thấy ngạc nhiên vì con đường trục chính giữa 2 quận trung tâm TPHCM lại là con đường có vỉa hè… tệ hại nhất. Cách nay chục năm, con đường này đã được đầu tư làm mới vỉa hè với “công nghệ gạch con sâu”. Chừng ấy thời gian và trải qua nhiều lần đào đường đặt cáp điện, cấp nước, dây thông tin, xây dựng nhà cao tầng…, vỉa hè con đường này trở nên lam nham, xuống cấp trầm trọng. Chủ hiệu sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn thuộc địa bàn phường 6 quận 3, nói: “Tôi không hiểu vì sao vỉa hè đường này lại bị kéo dài tình trạng lỗ chỗ như manh áo rách…”. Còn chị bán thuốc lá trước phòng khám mới của Bệnh viện Từ Dũ phân trần: “Người ta hay đổ thừa rằng vỉa hè hư là do mấy người bán hàng rong như tụi tui, nhưng chú nhìn kìa, vỉa hè bên hông bệnh viện bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, không chỉ giữ xe 2 bánh mà cả xe hơi luôn, thì hỏi vỉa hè nào chịu nổi?
Gạch lát vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đã bị bể vụn. Ảnh: THANH HẢI
Đi về hướng giao lộ Cách Mạng Tháng Tám rồi ra Đài Truyền hình, càng thấy tình trạng vỉa hè của con đường Nguyễn Thị Minh Khai thảm hại. Toàn bộ vỉa hè trước Thông tấn xã, Trường THPT Lê Quý Đôn… gạch con sâu đã bị nát nhừ, mặt vỉa hè loang lổ như manh áo rách. Qua giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Ngọc Thạch, vỉa hè vừa mới được đào lên - lấp lại, gạch đặt viên trồi viên sụt trông không giống ai.
Vỉa hè nhiều con đường khác ở trung tâm TPHCM như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vỉa hè trước cổng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) hay Lê Hồng Phong (quận 5) trông khá đẹp nhưng xe 2 bánh chạy lên thì y như chạy trên… cái bánh tráng: gạch bong lên nghe rôm rốp.
Không quá đáng khi nhận xét rằng gần 60% vỉa hè trong nội thành TPHCM đều đã rơi vào tình trạng tệ hại như vậy. Những đoạn vỉa hè còn nguyên vẹn thường chỉ là vỉa hè trước các tòa nhà cao tầng, cơ quan ngoại giao, những vỉa hè có bó vỉa vuông.
Lấp xuống - đào lên
Cách nay không lâu, bạn đọc đã phản ánh tình trạng đào đường để gạch đá lổn nhổn, gây ô nhiễm môi trường trên đường Võ Văn Tần (đoạn từ hồ Con Rùa đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Trả lời về việc này, ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết: “Đây không phải là công trình đào đặt cáp của điện lực mà của công trình đào đặt ống cấp nước. Công trình đặt cáp ngầm trên đường này chúng tôi đã hoàn tất vào tháng trước”. Còn vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn ngang sân vận động Phan Đình Phùng, tháng trước vừa lấp lại, bây giờ lại bị đào lên, và hậu quả nhãn tiền: vỉa hè như khuôn mặt bị một vết cắt lam nham, vụng về kéo dài.
Cùng với nạn “lấp xuống - đào lên”, vỉa hè còn bị tan nát vì việc cẩu thả trong tái lập mặt bằng công trình ngầm. Trả lời về việc tái lập mặt vỉa hè gập ghềnh, không như nguyên trạng, các chủ thầu thi công đào đường thường chống chế là sẽ bảo hành 1 năm, nơi nào chưa đạt sẽ làm lại. Có chủ thầu cũng phân bua: “Nhìn bề ngoài, người ta nói nhà thầu thi công ẩu, nhưng gạch mới lát lại thì xe máy đã leo lên rồi, vỉa hè nào chịu nổi”. Đúng là do kẹt xe nên nhiều đoạn vỉa hè thường xuyên bị người đi xe máy phóng xe chạy lên băm nát. Thí dụ góc vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn nát bấy vì xe leo lên vỉa hè, trong khi vỉa hè bên kia đường phía Dinh Thống Nhất vẫn nguyên vẹn do xe máy không leo lên được.
Phụ trách một địa bàn với nhiều tuyến đường lớn ở quận 5 như Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, An Dương Vương…, ông Huỳnh Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường 9 quận 5, phân tích: “Vỉa hè bị băm nát do nhiều nguyên nhân: do xe máy leo lề, do tái lập cẩu thả sau khi thi công công trình ngầm, do bị chiếm dụng để kinh doanh ăn uống. Dù có làm thật tốt nhưng cứ bị xâm hại như vậy riết thì vỉa hè nào chịu nổi! Điều quan trọng là vỉa hè làm xong, có bảo hành của đơn vị thi công, nhưng khi hết bảo hành thì không ai bảo trì”. Thật vậy, đường hư thì có khu quản lý lo, hẻm xuống cấp có chính quyền phường và dân cùng lo, nhưng vỉa hè hư thì… không biết ai lo.
“Thủ phạm” gây hư hỏng vỉa hè thì đã biết, nhưng ai sẽ lo bảo trì khi vỉa hè hư lại là câu hỏi khó trả lời. Chỉ biết khi vỉa hè quá nát, phường lại đi vận động dân góp tiền làm mới, lúc ấy dân lại kêu “sao cứ góp tiền làm vỉa hè hoài vậy!”.
THƯ LÊ